NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


Những quan niệm khác nhau xung quanh lớp vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt

Go down

Những quan niệm khác nhau xung quanh lớp vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt Empty Những quan niệm khác nhau xung quanh lớp vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt

Bài gửi by Nguyễn Trà My 21/11/09, 12:06 am

Huỳnh Thị Hồng Hạnh



Lớp vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao (trong bài viết này chúng tôi tạm gọi là lớp vị từ dạng Vx để tiện cho việc trình bày - HTHH) là một lớp từ chiếm một số lượng đáng kể, có tính hệ thống, có hình thức cấu tạo riêng và giữ một vị trí nhất định trong hoạt động giao tiếp, hoạt động phản ánh của người Việt.

Theo cách hiểu phổ biến, “vị từ là một từ có chức năng tự mình làm thành một vị ngữ hoặc một trung tâm ngữ pháp, hay làm hạt nhân ngữ nghĩa của một vị ngữ biểu hiện nội dung của sự thể.” [28;35] Nói cách khác, đó là một phạm trù từ loại bao gồm động từ và tính từ . Từ trước đến nay, ngữ pháp tiếng Việt truyền thống vẫn chủ trương tách vị từ thành hai từ loại. Nguyễn Tài Cẩn cho rằng : “ nếu chúng ta quan tâm đến sự xác lập các phạm trù hơn là đến sự phân chia thành các nhóm từ cụ thể thì thiết nghĩ lợi hơn vẫn là tách thành hai từ loại. Trong tiếng Việt vẫn có những động từ điển hình và những tính từ điển hình có khả năng khác nhau trong việc tổ chức đoản ngữ, vậy vẫn có sự đối lập dứt khoát giữa hai phạm trù chỉ hành động và chỉ tính chất.”[2 ;332-333] . Nhưng theo ý kiến của nhiều nhà ngôn ngữ học, ở tiếng Việt không nên tách thành hai loại động từ và tính từ vì không có một ranh giới rõ ràng giữa hai từ loại này.

Chúng tôi quan niệm, trong tiếng Việt nói riêng và trong các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập nói chung, động từ và tính từ có thể xếp vào một phạm trù chung là vị từ . Chúng tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm của GS. Diệp Quang Ban : “Khái niệm vị từ không xoá bỏ hoàn toàn sự đối lập động từ / tính từ, mà có tác dụng tập hợp chúng theo những đặc trưng chung xét trên bình diện đối lập với danh từ .”[1;106]Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn xếp chúng vào cùng một phạm trù. Theo đó, lớp vị từ mà chúng tôi đang khảo sát là những vị từ như : đỏ au, xanh ngắt, nhắm nghiền, im thít, cấm tiệt, lăn đùng...

Sau khi tiến hành thống kê các vị từ loại này trong “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên-Viện ngôn ngữ học, Nxb KHXH, Trung tâm từ điển học , Hà Nội, 1994), chúng tôi thu được 649 từ có cấu tạo theo kiểu Vx, chiếm tỉ lệ 1,7% trong tổng số mục từ có trong từ điển (38.410 mục từ). Ngoài ra, chúng tôi còn thu thập được 272 từ thuộc loại này từ các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại (274 tác phẩm) . Và điều đặc biệt là các từ này chưa có trong từ điển.

Đây là một lớp từ mà từ trước đến nay có khá nhiều công trình nghiên cứu ngôn ngữ đề cập đến ở nhiều góc độ khác nhau với nhiều ý kiến đối lập nhau. Cho đến nay, các ý kiến đó vẫn chưa ngã ngũ là do sự đối lập trong quan niệm của các tác giả về cương vị của yếu tố x trong cấu trúc Vx là từ hay từ tố . Nhìn chung, suốt một thời gian dài, ở nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, mỗi khi đề cập đến vấn đề này các tác giả vẫn bảo lưu ý kiến ban đầu của mình.

Đặt vấn đề khảo sát các quan niệm khác nhau về lớp từ này, chúng tôi gặp không ít khó khăn do phải xử lý một nguồn tư liệu quá lớn và có quá nhiều ý kiến không thống nhất. Có thể nói, hầu hết các nhà Việt ngữ học đều quan tâm đến lớp từ này và tiếp cận nó ở nhiều góc độ khác nhau. Dù là tiếp cận ở góc độ nào, điều mà hầu hết các tác giả quan tâm là cương vị của yếu tố x trong tổ hợp Vx.

Hiện nay, về cương vị của các yếu tố x, có rất nhiều ý kiến khác nhau :

a. Một số nhà Việt ngữ học cho rằng chúng không có ý nghĩa và do đó chẳng những không đủ tư cách của từ mà còn không đủ tư cách của hình vị nữa (Nguyễn Kim Thản [33], Phan Thiều [35]...).

b. Một số khác thừa nhận chúng là các hình vị mặc dù ý nghĩa của chúng không rõ ràng. Để biện minh tư cách hình vị của những tiếng này, Nguyễn Tài Cẩn đã dựa vào “giá trị về mặt ngữ pháp”[2], còn Đỗ Hữu Châu thì giải thích như sau :“mặc dù chúng không có nghĩa trong trạng thái tiếng Việt hiện nay, song những từ chứa chúng lại nằm trong cùng một kiểu cấu tạo vói những từ do hai hình vị tự thân có nghĩa tạo nên”[4;156]

c. Các nhà nghiên cứu như Cao Xuân Hạo[13], Nguyễn Thiện Giáp[10], Hoàng Văn Hành[15]... lại xác định cương vị ngôn ngữ học của những tiếng ở vị trí x là từ.

Để có thể trình bày vấn đề phức tạp này một cách có hệ thống, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các nhóm quan niệm theo hướng tiếp cận.

1. Hướng tiếp cận từ góc độ từ nguyên

Khi bàn về vấn đề cương vị của yếu tố x, để củng cố cho những lập luận của mình, một số tác giả đã bước đầu quan tâm đến nguồn gốc của những yếu tố ở vị trí x.

1.1 Nguyễn Tài Cẩn có ý kiến : “...có lẽ xanh lè, trắng bệch, thơm phức trước kia cũng có thời kỳ được nhận thức như thuộc kiểu láy nghĩa : Le ở một vùng Mường Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có nghĩa là xanh. Bệch vốn có bắt nguồn từ yếu tố bạch (= trắng) gốc Hán Việt . Phức trong tiếng Hán Việt cũng có nghĩa là thơm” [2;94] .

1.2 Khi gọi các yếu tố x là “các nguyên vị hệ thống phụ thuộc”, Hồ Lê cho rằng : “đa số nguyên vị hệ thống phụ thuộc loại này, cho đến nay, chưa ai giải thích được nguồn gốc của chúng . Tuy nhiên, đối với một số nguyên vị hệ thống phụ thuộc thì có những dấu vết chứng tỏ rằng chúng vốn từ những loại nguyên vị khác chuyển thành.Ví dụ : đỏ chót (chót- mức cuối cùng ; điểm chót, mức chót ), đỏ gay ( gay - gay gắt )... Ngoài ra, một số ít nguyên vị hệ thống phụ thuộc còn có khả năng xuất hiện trong vài ba từ nhất định, ví dụ : bạc phau, trắng phau, đỏ lòm, chua lòm.... Điều này chứng tỏ rằng những nguyên vị ấy có thể vốn là nguyên vị thực”. [22 ;292]

1.3 I.I.Glebova đưa ra giả thuyết tương tự : “...Ở một thời nào đó chúng vốn là những từ thực, giống như những yếu tố thứ hai trong các tính từ trắng đục, đen đặc, đỏ rực, trắng nhợt” (dẫn theo[16 ;51]) .

1.4 Cũng theo cách tiếp cận vấn đề như vậy, L.Cadière có nhận xét : “Từ chỉ màu sắc của tiếng Việt bên cạnh khả năng tự nhân đôi ( kiểu đo - đỏ đỏ ), ghép với nhau ( kiểu xanh xám), còn có khả năng ghép các từ cùng nhóm mượn trong các ngôn ngữ ở Đông dương. Điều này có nghĩa là các yếu tố như bong, bóctrong trắng bong, trắng bóc được giả định là những từ cùng nhóm mượn trong các ngôn ngữ Đông Dương (Jeh, Trieng, Chàm, Sê đăng...). Theo đó bongbóc vốn cũng có nghĩa là trắng . Hoặc yếu tố au trong đỏ au vốn có nghĩa là tươi (tiếng Thái). Do đó, đỏ au cũng là đỏ tươi.” (dẫn theo [16 ;96]) .

1.5 Bên cạnh đó, khi bàn về vấn đề sự tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Khơme, Phan Ngọc có dẫn ra một số yếu tố x có nguồn gốc Khơme :

“- Trắng xoa / trosos (rất trắng), trắng phau / phngau (rất trắng), trắng nõn / nuôl (màu trắng của nước da), trắng bong / prôung (màu trắng toả ra trên diện tích rộng), trắng lốp / lúp (át hẳn)...

- đỏ ngầu / ngậu (rất đỏ), đỏ au / cơ -au (đỏ đều), đỏ hỏn / krohom (đỏ), đỏ chót / caơt (đỏ thắm), đỏ thắm / coăm (đậm, sẫm)...

- sáng choang / chăng (chiếu sáng), sắc lẻm / cleem (rất nhọn), chán ngắt / srongôut (buồn thiu), chắc mẫm/ moăm (vững chắc), đầy éc / phơ -éec (no căng bụng ), nóng ran / cral (nóng vì sưng lên)...” [24;302-304].

Ngoài ra, Ông còn lý giải : “Những âm tiết mất nghĩa trong tiếng Việt hiện đại là do hiện tượng xung đột về từ đồng nghĩa. Cũng như đẹp bắt các âm tiết gốc Hán Việt mất tự do (mỹ, lệ, diễm...), cũng vậy, sắc bắt lẻm mất tự do, trắng bắt xoá, bong... mất tự do. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ ta quen với từ Hán Việt hơn là với từ Đông Nam Á mà thôi.” [24;304]

Như vậy, khi tiếp cận các yếu tố x trên bình diện lịch đại để giải quyết vấn đề cương vị của yếu tố x trên bình diện đồng đại, các nhà Việt ngữ học chỉ mới điểm qua sơ lược về nguồn gốc của một số yếu tố trong nhóm này. Nhìn chung, vấn đề này chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và có hệ thống. Sự rời rạc khi tra cứu về nguồn gốc của yếu tố mờ nghĩa (x) là do thiếu những cứ liệu cần thiết về từ nguyên. Khó khăn này không phải chỉ đặt ra đối với các nhà nghiên cứu Việt ngữ học mà còn đặt ra đối với tất cả những ai quan tâm đến vấn đề từ nguyên ở tất cả các ngôn ngữ khác trên thế giới.

Do việc khảo sát lớp từ này trên bình diện lịch đại thường vấp phải những hạn chế nhất định nên thông thường người ta thường bỏ qua vấn đề từ nguyên mà chỉ quan tâm đến việc khảo sát về hình thái - cấu trúc - ngữ nghĩa , chức năng ngữ pháp và phạm vi sử dụng của lớp từ này trên bình diện đồng đại.

2. Hướng tiếp cận từ góc độ hình thái - cấu trúc - ngữ nghĩa

Khi khảo sát lớp từ này ở bình diện hình thái - cấu trúc - ngữ nghĩa, các tác giả đã đưa ra nhiều quan điểm đối lập, trái ngược nhau. Như chúng tôi đã trình bày, hiện nay có ba khuynh hướng khác nhau khi đánh giá về cương vị của yếu tố x.

2.1 Xem yếu tố x là những yếu tố tự thân không có nghĩa, thậm chí không đủ tư cách là hình vị

Thuộc khuynh hướng này là những nhà nghiên cứu như Nguyễn Kim Thản [33], Phan Thiều [36]...

2.1.1 Nguyễn Kim Thản gọi yếu tố x là những “ngữ vị giả”, “ngữ vị hạn chế” hoặc “từ tố giả” . Theo Ong, đó là “những ngữ vị chỉ có ý nghĩa khi kết hợp với một ngữ vị khác. Nói cách khác đó là những ngữ vị tự thân không có ý nghĩa, và chỉ khi nào đem ý nghĩa của từ (có từ hai ngữ vị trở lên) trừ với ý nghĩa của ngữ vị có nghĩa thật tạo thành từ ấy đi, mới biết được ý nghĩa của nó.”[32;168]

Ngoài ra, khi phân loại từ đa tố, Ong gọi “những từ có một ngữ vị thật và một ngữ vị giả (rõ ràng, bẽ bàng, đỏ hỏn, trắng xoá...)” là những “từ pha ngẫu hợp”. [32;169]

2.1.2 Tương tự như vậy, trong cuốn “Việt ngữ nghiên cứu” (tái bản 1997), lúc đầu Phan Khôi gọi những tiếng ở vị trí x là “tiếng đệm” do ông quan niệm đó “là những tiếng tự nó không có nghĩa, đệm sau một từ căn hay đệm cho nhau để nảy ra nghĩa”[19;63] giống như những yếu tố láy trong từ láy. Nhưng về sau , Ông lại tỏ ra hoài nghi : “khi gặp cái chữ đi sau ấy là một tiếng xưa hoặc tiếng ngoài len vào mà bây giờ không tìm được nguồn gốc của nó, không biết nghĩa là gì, và ta cho nó vào loại tiếng đệm và trách nó không theo luật thì cũng chẳng oan nó lắm sao?” [19;72-73]

Về ngữ nghĩa , Ong cho rằng các “tiếng đệm” được dùng để phân biệt nghĩa của các tổ hợp có chung một “từ căn” nhưng khác nhau về “tiếng đệm”. Chẳng hạn : “ Từ căn xanh : Xanh là một sắc. Nhưng nó có nhiều màu khác nhau, vậy phải dùng đệm để phân biệt cái khác nhau ấy. Xanh dờn hay xanh um để chỉ màu xanh cỏ cây; xanh ngắt để chỉ màu xanh da trời; xanh xao để chỉ màu xanh da người khi có bệnh. Chữ dờn, chữ um, chữ ngắt, chữ xao không có nghĩa gì dính dấp với xanh cả, còn cái nghĩa riêng của nó nếu có cũng chẳng dùng vào đây, nhưng đã đem nó đệm cho từ căn xanh thì tự nhiên sinh ra ba nghĩa là cho ba màu xanh khỏi lẫn lộn với nhau”. [19;64]

Sau này, thuật ngữ “tiếng đệm” cũng được Bùi Đức Tịnh [38] tiếp tục dùng để chỉ những đơn vị này.

2.1.3 Lê Cận, Phan Thiều trong cuốn “Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt (tập1)”(1983) đã xếp lớp từ này vào nhóm “từ đơn đa tiết không láy”[3;73] vì họ cho rằng yếu tố x đã mất nghĩa hoàn toàn. Nhưng cũng trong giáo trình này, tự họ đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong quan niệm và cách phân loại khi nhận định : “về nghĩa thì le gắn liền với xanh, phức gắn liền với thơm để tạo thành những từ đơn hai âm tiết, nhưng về hình thức thì le, phức lại tách khỏi xanh, thơm và hoạt động như từ độc lập. Có thể xem đây là hiện tượng phi cân xứng giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện trong tiếng Việt”[3;75].

2.2 Xem yếu tố x là hình vị (từ tố)

2.2.1 Tiếp cận trên bình diện ngữ nghĩa, Đỗ Hữu Châu gọi yếu tố x là “hình vị mất nghĩa”. Khi phân loại từ tiếng Việt xét về cấu tạo, Ông xếp lớp từ này vào loại “từ ghép phân nghĩa một chiều”. Theo Ông, “các từ ghép phân nghĩa này có tác dụng sắc thái hoá các hình vị chỉ loại lớn, do đó rất giống các từ láy sắc thái hoá điển hình. Các hình vị phân nghĩa của chúng thường mất nghĩa. Song sự phân tích từ nguyên cho thấy ít nhiều chúng hoặc đồng nghĩa hoặc có liên quan về ngữ nghĩa với ý nghĩa của hình vị chỉ loại lớn.”[7;48]

Đi sâu vào cấu trúc ngữ nghĩa của từ , trong cuốn “Các bình diện của từ và từ tiếng Việt”(1986), Ông còn gọi lớp từ Vx là “từ ghép phân nghĩa sắc thái hoá”. Đó “là những trường hợp như “xanh lè”, “xanh ngắt”..., “đỏ rực”, “đỏ ối”, “đỏ hây”..., “tròn xoe”, “tròn quay”..., “thẳng tuột”, “thẳng tắp”... Trong những từ ghép này, hình vị chung thường là gốc động từ, tính từ ... là khái niệm không thể chia loại, cho nên ý nghĩa của cả từ không có tác dụng biệt loại hoá, mà chỉ sắc thái hoá ý nghĩa của hình vị chung.” [4;109-200]

2.2.2 Khi nhấn mạnh đến ý nghĩa sắc thái hoá của từ, Diệp Quang Ban (1996) đã có những ý kiến tương đồng với Đỗ Hữu Châu. Ông gọi lớp từ này là “từ ghép chính phụ sắc thái hoá”. “Trong đó từ tố phụ có tác dụng bổ sung một sắc thái ý nghĩa nào đó khiến cho toàn từ ghép này khác với từ tố chính khi từ tố chính hoạt động một mình như từ rời, hoặc khiến cho từ ghép sắc thái hoá này khác với từ ghép sắc thái hoá khác về ý nghĩa. Ý nghĩa sắc thái hoá gộp chung là thứ ý nghĩa ngữ pháp, nhưng từng sắc thái ý nghĩa do từ tố cụ thể tạo ra lại là những ý nghĩa có nội dung từ vựng nhất định.”[1(1); 50]. Bên cạnh đó, khi xem xét về bản chất ngữ nghĩa của từ , Diệp Quang Ban đã nêu được một nhận xét quan trọng : “Từ ghép chính phụ sắc thái hoá cho thấy sự tiếp cận của phương thức ghép chính phụ với phương thức láy (ss. xanh lè với xanh xao). Đây cũng chính là một điểm biện minh cho việc đưa việc xem xét cấu tạo từ ghép và sự xem xét cấu tạo từ láy vào cùng một bình diện.”[1(1);51]

2.2.3 Với cùng một hướng tiếp cận, khi trình bày về cách ghép từ, Bùi Đức Tịnh cũng có nhận xét : Trong những tổ hợp như “trắng nhách, xanh rì, dễ dàng (tiếng sau thay đổi nghĩa của tiếng trước).” [37;15]

2.2.4 Tương tự như vậy, khi phân loại nghĩa của từ tố, Nguyễn Văn Tu (1978) đã chủ trương phân làm 3 loại : nghĩa phân biệt, nghĩa chức năng, nghĩa phân bố . Trong đó, “những từ ghép có cùng một từ tố nào đó chỉ những sự vật, những hiện tượng, những tình trạng, tính chất khác nhau nhờ có nghĩa phân biệt trong từ tố kia. Chẳng hạn những từ như : trắng xoá, trắng tinh, trắng ởn, trắng bạch, trắng toát... đều có cùng từ tố trắng mà có nghĩa khác nhau nhờ có các từ tố xoá, tinh, ởn, bạch, toát... có nghĩa phân biệt.” [39;114]

Ở đây, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Văn Tu có cùng quan điểm với Phan Khôi, Nguyễn Kim Thản khi nhấn mạnh chức năng phân biệt nghĩa của yếu tố x trong tổ hợp Vx.

2.2.5 Dùng thuật ngữ “nguyên vị” để gọi tên đơn vị ngôn ngữ thường được gọi là hình vị (từ tố), Hồ Lê (1976) gọi các yếu tố x là “các nguyên vị hệ thống phụ thuộc”. Ong xem Vx là một bộ phận của loại từ ghép được cấu tạo theo mẫu "nguyên vị thực + nguyên vị hệ thống phụ thuộc không lấp láy”[22;291]. Sau này, Ông còn gọi đó là những “từ ghép hỗn sinh”.

2.2.6 Đái Xuân Ninh (1976) xếp x vào loại “hình vị hạn chế”(bound form) mang “nghĩa khu biệt”[26;16]. Nguyễn Hữu Quỳnh (1996) cũng có ý kiến tương tự : Căn cứ vào giá trị ngữ pháp, Ong gọi x là “hình vị không độc lập”, “chỉ được dùng làm thành tố của một từ hay của một số tổ hợp nhất định”[29;101]và gọi Vx là “từ ghép nghĩa chính phụ”.[112]

2.2.7 Khi khảo sát về “Hiện tượng trái nghĩa và giá trị tu từ của các đơn vị trái nghĩa”, Đinh Xuân Hiền (1981) có nhận xét :“Trong tiếng Việt có những cặp từ trái nghĩa như cao - thấp nhưng đồng thời cũng có những nhóm như cao vút - thấp tè, hoặc béo phị - gầy đét, trong lúc ở một số ngôn ngữ phải dùng từ chỉ mức độ tuyệt đối rất như très grand - très petit hoặc very big - very small.” [18; 210]

Từ trái nghĩa là một phổ niệm ngôn ngữ có phạm vi rộng. Trong sự so sánh đối chiếu với một số ngôn ngữ khác, Đinh Xuân Hiền cho rằng “trong tiếng Việt có một loại khá đặc biệt, đó là từ trái nghĩa tăng giảm dần (antenymes gradués). Những từ này có các từ vị chỉ mức độ khác nhau theo hướng tiệm tiến hay tiệm thoái rất phong phú như béo, béo tròn, béo trục, béo quay, béo phị, phì nộn,... gầy, gầy còm, gầy đét, gầy rộc, khẳng khiu, khô đét, mắm...” [18;210]

Từ sự tiếp cận vị từ Vx trên bình diện ngữ nghĩa, tác giả bài viết đã đưa ra những nhận xét khá lí thú về hiện tượng trái nghĩa trong tiếng Việt.

2.3 Xem yếu tố x là từ

Thuộc nhóm quan niệm này là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ như : Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp, Lê Xuân Thại, Hoàng Văn Hành, Nguyễn Đức Dương...

2.3.1 Khi bàn về vấn đề hình vị và từ, Cao Xuân Hạo đã phê phán quan điểm căn cứ vào sự phân biệt giữa hình vị tự do và hình vị hạn chế để phân biệt từ và từ tổ . Theo Ông, “dùng tiêu chuẩn này, những tổ hợp như dưa hấu, xe lam, đỏ au và các tổ hợp Hán Việt, các cấu tạo láy sẽ được coi như những “từ ” (trong khi dưa chuột, xe đạp, đỏ ửng sẽ là những từ tổ)”[14;459]như vậy là thiếu sự nhất quán trong cách phân loại.

Trong bài viết “Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Cao Xuân Hạo xem yếu tố x là một trong các hình thái “ràng buộc tuyệt đối”[13;39]. Ong dùng thuật ngữ này để gọi những đơn vị thường “xuất hiện sau một số tính từ và động từ làm thành những tổ hợp có mô hình trọng âm 01 như sáng trưng, đỏ lòm, hôi rình, đắng nghét.”. “Đó là những trạng ngữ chỉ mức độ tối cao (superlatif) của các tính/ động từ đi trước, kèm theo một sắc thái biểu cảm nhất định và/ hay một ý nghĩa ấn tượng (gợi cảm, mô phỏng, tượng thanh, tượng hình).”[13;44]

2.3.2 Tán thành quan điểm của Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp (1985) cho rằng một trong những “hệ quả của những biến đổi trong từ vựng tiếng Việt”[10;112] là sự “xuất hiện một số yếu tố mờ nghĩa hoặc trống nghĩa”[10;112]. Đó là “trường hợp của những tiếng không độc lập, chỉ kết hợp với một hoặc một vài từ có ý nghĩa rõ ràng : han, tác, gìn, chiền, lè, au, ngắt ...”[10;112]. Trên cơ sở đó, Ông đưa ra lập luận : “Mặc dù đứng ở góc độ đồng đại, không biết nghĩa gốc của những tiếng trên đây, nhưng nếu căn cứ vào những quan hệ có tính hệ thống vốn có trong tiếng Việt, ta có thể suy đoán phần nào về ý nghĩa của chúng. Vì vậy có thể coi đây là những từ có ý nghĩa bị lu mờ ”.[10;112]

Gần đây, trong cuốn “Từ và nhận diện từ tiếng Việt”(1996), những ý kiến nêu trên vẫn được bảo lưu và tiếp tục được khẳng định : Yếu tố x là những yếu tố “hoàn chỉnh về ngữ âm, về chính tả, về cấu trúc như các từ điển hình, lại trực tiếp kết hợp với những tiếng đầy đủ tư cách của từ . Vì thế phải coi chúng cũng là các từ của tiếng Việt.”[11;156]

Tuy nhiên khi đánh giá trên bình diện ngữ nghĩa, Ông cũng cho rằng yếu tố x “không độc lập về nghĩa” và “ý nghĩa của chúng thiên về ý nghĩa ấn tượng (gợi cảm, mô phỏng, tượng thanh, tượng hình) chứ không phải ý nghĩa biểu thị. Vì vậy, xác định ý nghĩa ý nghĩa phạm trù (ý nghĩa từ vựng - ngữ pháp) cho những tiếng loại này không dễ dàng .”[11;156] Ở đây, ý kiến của Nguyễn Thiện Giáp lại gần với ý kiến của các nhà nghiên cứu như Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Kim Thản...

2.3.3 Nếu như các tác giả kể trên chỉ đề cập đến tổ hợp Vx trong chừng mực chúng có liên quan đến vấn đề được nêu ra thì Hoàng văn Hành là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về các tổ hợp có cấu trúc Vx. Trong bài viết “Đặc trưng của những đơn vị từ vựng kiểu như au, ngắt trong tiếng Việt” trên tạp chí Ngôn ngữ số 2/1975, Ông đã trình bày một số kiến giải của mình về tổ hợp này. Ông quan niệm đây là những “tổ hợp phụ nghĩa” (kí hiệu là AB). Trong đó, “A là hạt nhân, B là đơn vị ghép vào để phụ nghĩa, hạn định cho A.”[15;27]. Dựa vào các mặt nguồn gốc , hình thái - cú pháp và ngữ nghĩa, Ông cố gắng chứng minh cương vị từ của những yếu tố x trong tổ hợp này bằng cách khẳng định “x là một loại đơn vị tương đối độc lập về mặt hình thái- cú pháp.” [15;31]

Trong cuốn “Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá”(1991), bài viết này được đưa vào sách thành một chương phụ, có sửa chữa đôi chút nhưng không đáng kể. Về căn bản những ý kiến trước đây vẫn được bảo lưu.[16;94] .

Mới đây, cuốn “Từ tiếng Việt (hình thái-cấu trúc-từ láy-từ ghép-chuyển loại)” (1988) do Hoàng Văn Hành chủ biên, cũng tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Khi phân loại hình vị, Ong xếp yếu tố x vào loại “tha hình vị định tính”[17;45]. Trong này, Hoàng Văn Hành tỏ ý phê phán quan điểm cho rằng x là loại hình vị có nghĩa khu biệt. Theo Ông, đây “là một loại tha hình vị có nghĩa rất tinh tế. Song không thể vì thế mà đồng nhất nó với cái gọi là “nghĩa khu biệt” được . Không phải vô cớ mà chúng tôi đã từng chứng minh rằng các đơn vị đang xét không chỉ là tha hình vị định tính, mà còn có thể là từ , với cách hiểu chặt chẽ về khái niệm này.”[17;46]

2.3.4 Cũng như vậy, khi căn cứ vào quan hệ ngữ nghĩa, Nguyễn Đức Dương gọi lớp từ này là những " tổ hợp phụ nghĩa”[8;26].

3.Hướng tiếp cận từ góc độ ngữ dụng

Sở dĩ chúng tôi tách ngữ dụng thành một bình diện nghiên cứu riêng độc lập với bình diện ngữ nghĩa là vì thời gian gần đây, ngữ dụng học đã trở thành một chuyên ngành độc lập trong Việt ngữ học. Tuy nhiên, khi tiếp cận lớp từ này thì các nhà nghiên cứu chưa có sự phân định rạch ròi giữa ngữ nghĩa và ngữ dụng. Phần lớn các ý kiến nhận xét về giá trị ngữ dụng của lớp từ này thường gắn với những nhận xét về giá trị ngữ nghĩa. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng cố gắng điểm qua một vài nhận xét có liên quan đến giá trị ngữ dụng của lớp từ này.

3.1 Trong bài “Các nhân tố dụng học trong cấu trúc ngữ nghĩa của từ” (1986), Đỗ Hữu Châu có nhận xét : “Trong tiếng Việt có những từ “thẳng đưột”, “cao nhòng”...những từ này bị hạn chế về mặt biểu vật chỉ sự lệch khỏi chuẩn chung của các sự vật cùng loại. Do đó chúng mất khả năng dùng trong kết cấu so sánh.”[5;61]

Sau đó, trong cuốn “Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng” (1987), Ông có nêu ra một nhận xét về sắc thái biểu cảm mang màu sắc chủ quan của các vị từ loại này : “ “Thẳng”,“cong”... là những tính chất khách quan của các đường hình học nhưng “thẳng ro”, “thẳng đưột”,“thẳng tắp”;“cong veo”,“cong tớn”... là những tính chất thẳng, cong... đã thông qua cảm thụ của con người, dễ tác động vào con người gây ra một phản ứng tâm lý như thế nào đấy.Không có con người, một con đường vẫn có thể “thẳng”, “cong” nhưng không có con người nhất định sẽ không có “thẳng ro”, “thẳng tuột”, “cong veo”...” [6;158-159]

3.2 Mặc dù tiếp cận lớp từ này ở bình diện ngữ pháp nhưng Nguyễn Kim Thản cũng đã chú ý đến “giá trị biểu lộ tình cảm” của chúng. Theo Ông, “đáng chú ý nhất trong những từ pha ngẫu hợp này là những tính từ như đỏ lòm..., đen kịt..., xanh lè...., vàng khè..., nhỏ xíu... Những ngữ vị giả này ở đây còn có giá trị biểu lộ tình cảm. Có thể cho thí dụ : (trắng) nõn, (trắng) tinh, (trắng) muốt... biểu thị sự thích thú, đánh giá tích cực; (trắng) bệch, (trắng) dã, (trắng) hếu... biểu thị sự chê bai, đánh giá tiêu cực.”[32;175]

Nhìn chung, khi đánh giá lớp từ này ở góc độ ngữ dụng, các tác giả thường chú ý đến giá trị biểu lộ tình cảm và sắc thái chủ quan của các yếu tố x

4. Hướng tiếp cận từ góc độ ngữ pháp

Từ sự đối lập trong các quan niệm về cương vị ngôn ngữ học của yếu tố x, từ sự khác nhau trong nhận thức về hình thái - cấu trúc và ngữ nghĩa của tổ hợp Vx, khi tiếp cận lớp từ này ở bình diện ngữ pháp, các nhà nghiên cứu về ngữ pháp cũng có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau khi đánh giá về ý nghĩa ngữ pháp của yếu tố x . Có thể nói, chưa có một hướng tiếp cận nào có quá nhiều cách đánh giá khác nhau về yếu tố x như thế .

4.1 Xem yếu tố x là “trạng ngữ ” của các tính / động từ đi trước

4.1.1 Từ rất lâu, Trần Trọng Kim đã gọi yếu tố x là “trạng tự chỉ thể cách”. Ong nhận xét : “có một thứ trạng tự chỉ thể cách chỉ dùng riêng được với mấy tiếng tĩnh tự . Dùng lẻ một mình, thì những tiếng trạng tự ấy không có nghĩa gì cả: buồn tênh, cũ rích, lạnh ngắt, vắng teo, trong veo, đỏ lòm.”[20;99 -100]

4.1.2 Tương tự như vậy, Cao Xuân Hạo (1985) gọi “đó là những trạng ngữ chỉ mức độ tối cao (superlatif) của các tính / động từ đi trước, kèm theo một sắc thái biểu cảm nhất định và / hay một ý nghĩa ấn tượng (gợi cảm, mô phỏng, tượng thanh, tượng hình).”[13;44]

Khi phân tích quan hệ giữa các thành tố trong tổ hợp Vx, Ông cho rằng: “nhờ những tổ hợp loại này gồm những yếu tố có nghĩa rõ ràng, ta có thể thấy rằng mối quan hệ ý nghĩa giữa trung tâm và trạng ngữ thường là “ A đến nỗi (mức ) B” như trong mệt nhoài, đau điếng, béo nứt, phục lăn, ngọt lịm hoặc là “ A đến nỗi như thể (bị) B” như trong đen thui, tròn vo, giống đúc, ướt dầm, lép kẹp.”[13;44]

4.2 Xem yếu tố x là “định tố”

Tiếp tục những quan điểm của mình khi xem xét những tổ hợp loại này ở bình diện cấu trúc-ngữ nghĩa, khi xem xét chúng ở bình diện ngữ pháp, Nguyễn Thiện Giáp (1984) đã tỏ ra khá nhất quán trong cách đánh giá về chức vụ ngữ pháp của yếu tố x. “Những tiếng mờ nghĩa và trống nghĩa như trong xanh lè, chiền trong chùa chiền (...)không thể tự mình làm thành một câu tối giản. Khả năng làm thành phần câu của chúng tuy không rõ ràng nhưng nếu điều kiện đối chiếu trong hệ thống ngôn ngữ cho phép thì cũng lộ ra ít nhiều. Ví dụ : So sánh xanh lè với xanh nhợt, ta thấy chúng đều là kết cấu chính phụ, trong đó lenhợt, đều là những yếu tố phụ chỉ mức độ của thuộc tính. Do đó có thể suy ra le cũng làm định tố như nhợt.” [12;64]

4.3 Xem yếu tố x là động từ và tính tư không trực tiếp làm vị ngữ

Trong bài “Về các động từ và tính từ không trực tiếp làm vị ngữ trong tiếng Việt”(1982), Lê Xuân Thại gọi “những đơn vị như bạch (trong chuột bạch), ngắt (trong xanh ngắt)... là từ”[34; 48]. Trên cơ sở đó, tác giả xếp các yếu tố x vào loại “động từ và tính từ không trực tiếp làm vị ngữ trong tiếng Việt” và thuộc “nhóm một âm tiết :

a. Đi với động từ , như : (nói) sảng, (giật) thót, (gắt) um, (làm) xắp...(...)

b. Đi với tính từ , như : (rách) bươm, (già) khọm, (chín) mòm, (lạnh) ngắt... (...)”[34;49]

4.4 Xem Vx là từ ghép không có khả năng kết hợp với từ chỉ mức độ

4.4.1 Ở bình diện ý nghĩa từ loại, Diệp Quang Ban [1], Nguyễn Kim Thản [32;86] xếp lớp từ Vx vào loại “tính từ không có thang độ (hay tính từ tuyệt đối)” với đặc điểm “không thể kết hợp với phụ từ chỉ mức độ”.[1(2);101]

4.4.2 Tương tự như vậy, “Giáo trình tiếng Việt (tập 1)” (1976) gọi đây là những “từ ghép chính phụ ”[9;123]“trong đó đã có một từ tố biểu thị ý về mức độ rồi thì không kết hợp được với các từ chỉ mức độ nữa”[9;144]

4.4.3 Các tác giả biên soạn cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” (1983) cũng có nhận xét : “Trường hợp những từ ghép chỉ tính chất trong đó tiếng phụ có nghĩa chỉ mức độ, ví dụ : đen sì, đen ngòm (...) Trong những từ này, tiếng phụ là một loại tiếng có tính chất đặc biệt : nó biểu thị mức độ cao nhất của một tính chất (nói “đen sì” cũng có nghĩa như nói “rất đen”), đó là một nghĩa ngữ pháp; và nó gợi tả hình tượng của tính chất đó , bằng hình thức ngữ âm của nó (nó có thể có dạng láy với sức gợi tả mạnh hơn : đen sì sì, sạch sành sanh...).Nghĩa của những từ ghép này không có tính chất hoàn chỉnh (nghĩa tính chất + nghĩa mức độ). Nhưng tiếng phụ không thể tách khỏi tiếng chính, không thể dùng làm từ . Sự gắn bó giữa hai tiếng, như vậy, lại chặt chẽ.” [25;60]

4.4.4 Một lần nữa, trong cuốn “Cú pháp tiếng Việt (quyển 2)” (1992), Hồ Lê lại khẳng định : Đây là lớp tính từ ghép “vốn mang sẵn trong bản thân nét nghĩa chỉ mức độ cao”[23;143] và “chỉ có những tính từ ghép mà bản thân đã chứa đựng yếu tố mức độ cao tuyệt đối như : khô rốc, già cằn, đỏ lòm... thì không cần và cũng không thể kết hợp với bất kỳ từ tình thái chỉ mức độ nào.”[23;90]

4.5 Xếp một bộ phận vị từ Vx vào nhóm “tính từ ghép bổ nghĩa“tính - tính””

Về cấu trúc ngữ pháp, Nguyễn Văn Tu xếp lớp từ Vx vào nhóm “tính từ ghép bổ nghĩa “tính - tính””. Theo Ông, “kiểu từ ghép này như trắng nõn gồm từ tố trắng có nghĩa chính còn từ tố sau nó là tính từ bổ nghĩa nói lên tính chất của màu trắng tươi và đẹp.”[39;64]

4.6 Xếp một bộ phận vị từ Vx vào nhóm “động từ pha”

Khi phân loại động từ tiếng Việt theo cấu tạo, Nguyễn Kim Thản (1977) xếp chúng vào nhóm “động từ pha” “có ngữ vị giả biểu thị tình cảm”. “Kết cấu của những động từ này rất chặt chẽ; thông thường, không có gì xen vào giữa được. Hư từ phục vụ động từ phải đặt ngoài kết cấu đó (trước hoặc sau). Những động từ này gồm có lăn kềnh, nhắm nghiền, trói nghiến, đổ riệt, ôm thốc...”[31;51]

Cũng trong giáo trình này, Ông đã bác bỏ những ý kiến xếp những ngữ vị tình cảm này vào loại phó từ , trạng từ . Theo Ông, “việc sắp xếp này không hợp lý vì những ngữ vị này không thể tách ra khỏi chuỗi lời nói một cách dễ dàng, chúng không có ý nghĩa khái quát và không có khả năng dùng rộng rãi như phó từ .” [31;52]

Bùi Đức Tịnh cũng có những ý kiến tương tự : xem x là “những tiếng có lẽ trước kia là những phó từ có nghĩa riêng nhưng hiện thời chỉ dùng chung với một tĩnh từ nhất định, để thêm một màu sắc ý nghĩa đặc biệt cho tĩnh từ ấy : non xèo, già khù, trắng xoá, đỏ ối, vàng khè, xanh lét. Kể những tiếng xèo, khù, xoá, ối, khè, lét là những phó từ cũng được. Nhưng thật ra làm như vậy không lợi thêm được gì mà cũng không cần thiết.” [38;186 -187]

Ngoài ra, khi khảo sát về vị từ hành động tiếng Việt, Nguyễn Thị Quy [28] có đưa lớp từ này vào phần phụ lục thống kê danh sách “các “tính từ” không đi sau “rất”, ‘khá”.

5. Nhìn từ bình diện phong cách học

5.1 Khi nghiên cứu về “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt”, Cù Đình Tú xếp lớp từ này vào nhóm từ khẩu ngữ tiếng Việt . Trong đó, “ yếu tố 1 nguyên là từ đa phong cách, không mang tính miêu tả cụ thể. Yếu tố 2 thêm vào vốn không có nghĩa khi đứng riêng, vốn không phải là một từ độc lập nhưng khi thêm vào thì làm cho đơn vị mới trở thành từ khẩu ngữ, mang tính miêu tả cụ thể, sắc thái biểu cảm âm tính”[206].

Trong bài viết “ Vấn đề khảo sát các đơn vị từ vựng tiếng Việt hiện đại theo bình diện phong cách ngôn ngữ”, Cù Đình Tú cũng đã có lần nhắc đến vấn đề này khi bàn về vấn đề cấu tạo các đơn vị từ vựng khẩu ngữ tiếng Việt. Lớp từ này (Vx) được cấu tạo bằng cách “ thêm yếu tố vào đơn vị nguyên là từ đa phong cách để tạo nên đơn vị từ vựng khẩu ngữ (...Ngon - ngon ơ, mốc - mốc thếch...). Yếu tố thêm vào vốn không có nghĩa thực, khi thêm vào làm cho đơn vị mới trở thành từ khẩu ngữ, có sắc thái biểu cảm âm tính.”[41;252]

5.2 Với ý kiến tương tự như vậy, Đào Thản (1981) đã cho rằng lớp từ này được tạo ra bằng cách “thêm yếu tố : nhằm tạo ra các đơn vị mới khu biệt với đơn vị gốc về sắc thái ý nghĩa và nội dung biểu cảm.”[30;134]

6. Ngoài những góc độ tiếp cận mà chúng tôi vừa nêu, còn có một số tác giả tìm hiểu về lớp từ này ở vài bình diện khác .

6.1. Khi xem xét ngôn ngữ trên bình diện văn hoá, Trần Ngọc Thêm có đề cập đến các đặc trưng cơ bản trong nghệ thuật ngôn từ Việt Nam. Trong đó, Ông có nhắc đến chất biểu cảm trong từ ngữ tiếng Việt. Vì vậy, Ông đã lấy sự hiện diện của lớp từ này trong vốn từ tiếng Việt làm cứ liệu minh hoạ cho luận điểm của mình :“Về mặt từ ngữ, chất biểu cảm này thể hiện ở chỗ các từ, bên cạnh yếu tố gốc mang sắc thái nghĩa trung hoà, thường có rất nhiều biến thể với những sắc thái biểu cảm : Bên cạnh màu xanh trung tính, có dủ thứ xanh rì, xanh rờn, xanh rợn, xanh ngắt, xanh um, xanh lè... Bên cạnh màu đỏ trung tính có đỏ rực, đỏ au, đỏ lòm, đỏ loét, đỏ hoe...” [35;162]

6.2 Ở một bình diện khác, khi nghiên cứu về phương ngữ Nam Bộ, Trần Thị Ngọc Lang đã nhắc đến “các yếu tố chỉ mức độ cao của tính từ trong phương ngữ Nam Bộ” [21;99 -106]. Bà có nhận xét: “Với một số lượng phong phú các yếu tố chỉ mức độ trong tiếng Việt phổ thông và đặc biệt trong phương ngữ Nam Bộ, tiếng Việt rõ ràng chứng tỏ được khả năng diễn tả hết sức tinh tế của mình trong việc biểu đạt mọi sắc thái nghĩa cũng như sắc thái biểu cảm.” [21;106]

6.3 Và cũng không ngoài mục đích “góp thêm những tư liệu về các ngữ vị tình cảm và gợi tả trong phương ngữ Nam Bộ”, Hoàng Vũ nhấn mạnh đến “tác dụng biểu thị sự đánh giá chủ quan của người nói đồng thời gợi tả một sắc thái riêng nào đó, một cường độ tuyệt đối trong lời nói”[42;13] của yếu tố x.

Như vậy, lớp vị từ có yếu tố sau biểu thị mức độ cao trong tiếng Việt đã được sự quan tâm của khá nhiều nhà nghiên cứu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu chuyên sâu một cách toàn diện và có hệ thống về lớp từ này .

Trong bài viết này, bước đầu chúng tôi muốn tập hợp tất cả các ý kiến đã có từ trước đến nay xung quanh vấn đề này trước khi đi vào khảo sát chúng một cách tỉ mỉ, toàn diện và có hệ thống trên nhiều bình diện khác nhau.

CÁC TÀI LIỆU ĐƯỢC TRÍCH DẪN
( Xếp theo thứ tự tên tác giả )


1. Diệp Quang Ban - Ngữ pháp tiếng Việt (tập 1,2)

Nxb. Giáo dục, 1996

2. Nguyễn Tài Cẩn - Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng-từ ghép-đoản ngữ)

Nxb. ĐH&THCN, 1981

3.Lê Cận, Phan Thiều - Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt (tập1)

Nxb. Giáo Dục, 1983

4. Đỗ Hữu Châu - Các bình diện của từ và từ tiếng Việt

Nxb. KHXH, 1986

5. Đỗ Hữu Châu - Các nhân tố dụng học trong cấu trúc ngữ nghĩa của từ

(in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông”, 1986)

6. Đỗ Hữu Châu - Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng

Nxb. ĐH&THCN, 1987

7. Đỗ Hữu Châu - Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt

Nxb. Giáo Dục, 1981

8. Nguyễn Đức Dương - Về các tổ hợp song tiết tiếng Việt

Ngôn Ngữ số 2 / 1974

9. Giáo trình tiếng Việt (tập 1)

Nxb. Giáo Dục, 1976

10.Nguyễn Thiện Giáp - Từ vựng học tiếng Việt

Nxb. ĐH&THCN, 1985

11.Nguyễn Thiện Giáp - Từ và nhận diện từ tiếng Việt

Nxb. Giáo Dục, 1996

12.Nguyễn Thiện Giáp - Về mối quan hệ giữa “từ ” và “tiếng” trong Việt ngữ”

Ngôn ngữ số 3 / 1984

13.Cao Xuân Hạo - Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng

Ngôn ngữ số 2/ 1985

14.Cao Xuân Hạo - Một số biểu hiện của cách nhìn Au Châu đối với cấu trúc tiếng Việt”

(in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông”, 1986)

15.Hoàng Văn Hành - Đặc trưng của những đơn vị từ vựng kiểu như au, ngắt trong tiếng Việt

Ngôn Ngữ số 2/1975

16.Hoàng Văn Hành - Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá

Nxb. KHXH, 1991

17.Hoàng Văn Hành(chủ biên) - Từ tiếng Việt (hình thái-cấu trúc-từ láy-từ ghép-chuyển loại)

Nxb. KHXH, 1988

18.Đinh Xuân Hiền - Hiện tượng trái nghĩa và giá trị tu từ của các đơn vị trái nghĩa

(in trong “Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam” , 1981)

19.Phan Khôi - Việt ngữ nghiên cứu

Nxb. Đà Nẵng, 1997

20.Trần Trọng Kim - Việt Nam văn phạm (in lần thứ Cool

Nxb. Tân Việt

21.Trần Thị Ngọc Lang - Phương ngữ Nam Bộ

Nxb. KHXH, 1995

22.Hồ Lê - Cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại

Nxb. KHXH, 1976

23. Hồ Lê - Cú pháp tiếng Việt (quyển 2)

Nxb. KHXH, 1992

24. Phan Ngọc - Một số từ Việt cùng gốc với từ Khơme

(in trong “Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông” , 1986)

25. Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXHVN)

Nxb. KHXH, 1983

26. Đái Xuân Ninh - Hoạt động của từ tiếng Việt

Nxb. KHXH, 1978

27. Hoàng Phê (chủ biên) -Từ điển tiếng Việt

[font:4b1a=Tim

Nguyễn Trà My

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 18/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết