NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


(tiep)So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta

Go down

(tiep)So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta Empty (tiep)So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta

Bài gửi by ng thi thanh huyen 11/12/09, 05:05 am

3. Mức độ quan hệ giữa tục ngữ người Việt và tục ngữ các dân tộc thiểu số ở phía Bắc nước ta


Hai phần trên là so sánh nội dung về quan hệ thiên nhiên và quan hệ xã hội giữa tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta. Dưới đây, bằng phương pháp thống kê có thể tìm hiểu mức độ quan hệ giữa tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số. Do tư liệu được sưu tầm về tục ngữ các dân tộc thiểu số trên nước ta còn hạn chế, dưới đây chỉ mới so sánh, đối chiếu tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao, H'Mông, Giáy và chỉ xét những tục ngữ về quan hệ xã hội mà thôi.

Nước ta có 54 dân tộc, về ngôn ngữ (bộ phận quan trọng nhất có quan hệ trực tiếp trong so sánh, đối chiếu tục ngữ của người Việt với tục ngữ của các dân tộc đang được nghiên cứu), theo ba họ ngôn ngữ lớn là Nam á, Nam Đảo và họ Hán Tạng. Họ ngôn ngữ Nam á gồm:


1. Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, Môn – Khơme, H'Mông – Dao và nhóm Tày – Thái thuộc họ Nam á. Tục ngữ các dân tộc thiểu số được nghiên cứu ở đây đều thuộc nhóm ngôn ngữ trong họ Nam á, cho nên có mối liên hệ và giao lưu ngôn ngữ thể hiện trong mối liên hệ của tục ngữ.

2. Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường trong họ ngôn ngữ Nam á là một nhóm lớn có dân số đông. Người Mường cư trú xen kẽ với người Việt ở các tỉnh Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Điều kiện phân bố dân cư xen kẽ giữa người Việt và người Mường giúp cho việc giải thích vì sao tỉ lệ giữa số tục ngữ người Việt và tục ngữ người Mường không chỉ có nội dung gần nhau với tỉ lệ khá cao (251/897 câu, 27,99%) mà còn giống nhau hoàn toàn trong quan hệ ngôn ngữ cũng khá cao (73/251 câu, 29,8%).

3. Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái cũng là một nhóm lớn có dân số tương đối đông so với các dân tộc thiểu số khác, trong đó có nhóm Tày – Nùng rất gần nhau về ngôn ngữ. Người Tày sống rải rác ở 23 tỉnh, đông nhất là ở Cao Bằng, người Nùng sống rải rác ở 12 tỉnh, đông nhất là ở Lạng Sơn. Người Thái sống rải rác ở 7 tỉnh, đông nhất là ở Sơn La. Cũng như người Mường, Tày, Nùng, Thái sống xen kẽ và giao lưu với người Việt, xét về nội dung, tục ngữ Việt và Tày, Nùng giống nhau khá nhiều (Tày – Nùng là 187/897 câu, chiếm 20,84%; riêng Tày là 95/897 câu, chiếm 10,59%) và số tục ngữ hoàn toàn giống nhau trong quan hệ ngôn ngữ cũng vậy (Tày – Nùng là 17/187 câu, chiếm 9,1%; riêng Tày là 10/95 câu, chiếm 10,5%). Tục ngữ người Việt và người Thái cũng giống nhau một số (173/897 câu, chiếm 19,22%) và số tục ngữ hoàn toàn giống nhau trong quan hệ ngôn ngữ là 14/173 câu, chiếm 8,1%). Người Giáy cũng thuộc nhóm ngôn ngữ này. Họ sống ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai. Do địa bàn cư trú của người Giáy thuộc vùng cao, do quan hệ giao lưu văn hoá và ngôn ngữ nên tục ngữ Giáy và Việt giống nhau không nhiều trong nội dung và trong quan hệ ngôn ngữ (về nội dung giống nhau: 49/897 câu, chiếm 5,46% và trong ngôn ngữ là 0%).

4. Nhóm ngôn ngữ H'Mông – Dao cũng là một nhóm lớn trong đó có người Dao sống rải rác ở 14 tỉnh như Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang... Giao lưu văn hoá và ngôn ngữ giữa người Dao và người Việt xen kẽ trong quan hệ địa bàn cư trú nên tục ngữ có nội dung gần giống nhau giữa người Việt và người Dao cũng được thể hiện ít nhiều về nội dung cũng như về ngôn ngữ (103/897 câu có nội dung gần nhau, tỉ lệ 11,44% và 12/103 câu, tỉ lệ 11,6%). Còn người H'Mông tuy số dân đông hơn người Dao nhưng họ ở vùng núi cao các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... nên nội dung giống nhau trong tục ngữ Việt – Mường không nhiều (36/897 câu, chiếm tỉ lệ 4,34%) còn quan hệ ngôn ngữ giữa tục ngữ người Việt và H,Mông chưa thấy biểu hiện.

Qua phân tích, so sánh trên đây, tổng hợp lại có thể thấy điều kiện địa bàn cư trú xen kẽ và hệ ngôn ngữ cùng nhóm Nam á giữa người Việt và người dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta là điều kiện thuận lợi cơ bản cho quan hệ giao lưu văn hoá, tục ngữ. Về mặt lịch sử, các dân tộc anh em sống trên địa bàn phía bắc nước ta vốn có quan hệ lâu đời với nhau, riêng tục ngữ các dân tộc tuy đa dạng trong biểu hiện nhưng khá thống nhất trong nội dung. Đáng chú ý là quan hệ giao lưu và tác động lẫn nhau về văn hoá, ngôn ngữ thể hiện trong tục ngữ Việt và tục ngữ Mường đậm nét hơn, có thể được giải thích do địa bàn cư trú của người Mường chủ yếu ở vùng trung du, nơi đây người Việt và người Mường sống xen kẽ nhau, có nơi ở mật độ cao.

Mức độ quan hệ giữa tục ngữ người Việt và tục ngữ các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta với đặc điểm cơ bản là thống nhất và đa dạng; đó không chỉ biểu hiện song phương giữa tục ngữ người Việt và tục ngữ của một dân tộc thiểu số mà còn biểu hiện đa phương giữa các dân tộc với nhau. Có thể nêu đôi ví dụ trong khá nhiều trường hợp về biểu hiện đa phương này. Tục ngữ người Việt có câu: “Đèn nhà ai ấy rạng”, tục ngữ Thái có câu: “Đèn nhà nào rạng nhà ấy”, tục ngữ Dao có câu: “Đèn nhà ai sáng nhà ấy” và tục ngữ Mường có câu: “Đèn nhà ai rạng nhà ấy”. Tục ngữ Việt có câu: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, tục ngữ Tày cũng có câu: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại” còn tục ngữ Dao chỉ khác một tiếng “về” so với tục ngữ Việt hay Tày: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy về”...


Kết luận

Nước ta có 54 dân tộc anh em cho nên quan hệ dân tộc là quan hệ xã hội tổng hợp, từ quan hệ giữa người với người, quan hệ giai cấp, quan hệ các dân tộc với nhau trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội giao lưu, tác động lẫn nhau trong đó có giao lưu về tục ngữ của các dân tộc. Điều này Lênin đã phát hiện: “Trong chừng mực mà các dân tộc còn chung sống trong một quốc gia thì họ gắn bó với nhau bằng hàng ức, hàng triệu mối liên hệ về kinh tế, luật pháp và tập quán" [12, tr.26]. Lênin cũng đã phát hiện tính quy luật phát triển của quan hệ giữa các dân tộc, đó là quá trình phát triển, trưởng thành ý thức của mỗi dân tộc xảy ra đồng thời với quá trình liên hiệp, xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Điều này đang xảy ra ở nước ta. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nêu rõ: “Sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc đi liền với sự củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta” [3, tr.98]. Như vậy, có thể thấy hai hình thức của quan hệ dân tộc ở nước ta: quan hệ trong nội bộ từng dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc với nhau. Mối liên hệ bên trong từng dân tộc và mối liên hệ bên ngoài của các dân tộc tạo nên những đặc thù của từng dân tộc và trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung, tạo nên đặc điểm chung có tính thống nhất trong quan hệ giữa các dân tộc. Điều này có thể thấy và được chứng minh trong nghiên cứu tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số trên đây. Là văn hoá phi vật thể giàu chất trí tuệ và thực tiễn hơn các loại thể văn học các dân tộc khác, tục ngữ trong phát triển đặc thù của từng dân tộc và giao lưu với các dân tộc khác tạo nên tính đa dạng của tục ngữ từng dân tộc nhưng được liên hệ trong tính thống nhất của dân tộc Việt Nam. Điều này đã thấy rõ nét trong tục ngữ người Việt quan hệ với tục ngữ các dân tộc thiểu số ở phía bắc. Qua một số tài liệu sưu tầm được tuy không nhiều, chúng tôi cũng đã thấy tính thống nhất và đa dạng ấy trong tục ngữ các dân tộc ở phía nam nước ta. Tục ngữ các dân tộc ở nước ta đã góp phần quan trọng để nhận tính thống nhất trong những đặc thù đa dạng của nền văn hoá của dân tộc Việt Nam với bản sắc chung “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn tự cường dân tộc, tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lí; là đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; là đức hi sinh cao thượng, tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự tế nhị trong cư xử, tính giản dị trong lối sống”[4, tr.10]. Nhìn lại kho tàng tục ngữ các dân tộc ở nước ta (phía bắc và có thể ở phía nam nữa) những điều đã ghi trên đây, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều được đúc kết, phản ánh đầy đủ và chân thực.


Nguyễn Nghĩa Dân
_____________________________
2. Các Mác (1957), “Luận đề về Phơ-bách” (Phụ lục sách của Ăng ghen), trong cuốn Phơ bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Nxb. Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, (1987), Văn kiện đại hội toàn quốc lần VI, Nxb. Sự thật.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII), Nxb. Chính trị quốc gia.
5. Cao Sơn Hải (2002), Tục ngữ Mường Thanh Hoá, Nxb. Văn hoá - Thông tin.
6. Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, tập 1, 2, Nxb. Văn hoá - Thông tin.
7. Đặng Văn Lung (1994), Tục ngữ - Văn học dân gian các dân tộc, Nxb. Văn hoá dân tộc.
8. Hồ Chí Minh (1967), Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, tr.67.
9. M. Rô-den-tan và P.I-u-din (1976), Từ điển triết học, Nxb. Sự thật.
10. Hà Văn Nam (1999), Tục ngữ Thái, Nxb. Văn hoá dân tộc.
11. Lê Khánh Nguyên (1993), Tục ngữ, ca dao, dân ca dân tộc Thái Nghệ An, Nxb. Nghệ An – Vinh.
12. Dẫn theo Trần Quang Nhiếp (1998), Phát triển quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Văn hoá dân tộc, tr.26.
13. Lục Văn Pảo (1991), Thành ngữ Tày, Nxb. Văn hoá dân tộc.
14. Trần Hữu Sơn (1999), Tục ngữ câu đố dân tộc Dao, Nxb. Văn hoá dân tộc.
15. Lò Ngân Sủn (1994), Tục ngữ Giáy, Nxb. Văn hoá dân tộc.
16. Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (2002), Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam

ng thi thanh huyen

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 09/11/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết