NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


Phương thức tạo lập hành vi mỉa mai

2 posters

Go down

Phương thức tạo lập hành vi mỉa mai Empty Phương thức tạo lập hành vi mỉa mai

Bài gửi by vo hang vinh 16/11/09, 04:48 pm

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC TẠO LẬP HÀNH VI MỈA MAI TRONG TIẾNG VIỆT
(22/9/2009)





Ngữ dụng học là phân ngành non trẻ nhất của ngôn ngữ học. Khi ngữ pháp tạo sinh rồi sau đó là ngữ nghĩa học đang ở giai đoạn “cực thịnh” thì ngữ dụng học hầu như không được quan tâm. Nhưng đến khoảng hai mươi năm cuối của thế kỉ XX, ngữ dụng học đã phát triển mạnh mẽ cả về lí thuyết và các nghiên cứu thực tế, mở ra một khoảng trời rất rộng và hứa hẹn nhiều hấp dẫn của ngôn ngữ học.

Hành vi mỉa mai là một trong những hành vi có những đặc điểm khó nhận diện về cấu trúc và phương thức biểu hiện, chưa được lựa chọn để nghiên cứu trong một công trình nào. Trên thực tế, trong hội thoại thường ngày, đây là một hành vi được sử dụng khá nhiều.

Trong sự kiện lời nói mỉa mai, người phát, khi sử dụng, và người nhận, khi nhận diện, lí giải, hồi đáp, đòi hỏi phải có những phương thức và chiến lược nhất định. Các tình huống giao tiếp có xuất hiện hành vi mỉa mai, do vậy, thường là những tình huống lí thú, thu hút sự quan tâm của chúng tôi.

Hành vi mỉa mai thuộc vào nhóm hành vi có tính đe doạ thể diện rất cao đối với cả người phát và người nhận bởi vì ngoài việc bày tỏ sự đánh giá không tốt nó còn thể hiện thái độ coi thường, hạ thấp, khinh miệt của người phát. Do đó, trong giao tiếp, khi hành vi mỉa mai được thực hiện thì có tác động mạnh đến quan hệ liên cá nhân giữa các nhân vật giao tiếp. Nó làm cho quan hệ đó biến đổi theo chiều hướng xấu đi một cách rất rõ ràng.

Hành vi mỉa mai, nhiều khi, về hình thức, dường như nó thực hiện các chiến lược lịch sự nhằm bù đắp thể diện cho người nhận. Nhưng về thực chất, đó lại là một cách để hạ thấp thể diện của người nhận sâu cay, thấm thía hơn nhiều. Chính vì vậy mà ca dao đã có câu:
Lọ là thét mắng mới nên
Một lời xiết cạnh bằng nghìn roi song
Roi song đánh đoạn thì thôi
Một lời xiết cạnh muôn đời chẳng quên
(Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Vũ Ngọc Phan, tr.88)


Các đặc điểm trong việc sử dụng hành vi ngôn ngữ thể hiện rất đậm nét những đặc trưng tâm lí, văn hoá, tư duy…của mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng sử dụng chung một ngôn ngữ. Nghiên cứu về hành vi mỉa mai trong tiếng Việt chính là một cách tìm hiểu về đặc trưng tâm lí, văn hoá giao tiếp, tư duy…của người Việt.

Chúng tôi đã nghiên cứu và bước đầu tìm hiểu về một số phương thức phổ biến để tạo lập hành vi mỉa mai trong tiếng Việt như sau:

1. Tạo lập hành vi mỉa mai bằng sự vi phạm các nguyên tắc và phương châm hội thoại

1.1. Sự vi phạm phương châm về lượng

Phương châm về lượng trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice yêu cầu mỗi nhân vật hội thoại làm cho phần đóng góp của mình có lượng tin đúng như được đòi hỏi. Trong giao tiếp, người phát có thể vi phạm phương châm này để tạo ra phát ngôn mỉa mai bằng cách cố tình đưa ra lượng tin lớn hơn được đòi hỏi. Ví dụ:

- Sp1 (Speaker 1): Mình còn chờ gì nữa mà không ra tiếp người nhân tình cũ?
(Vũ Trong Phụng toàn tập, tập 2, tr. 117)


Trong phát ngôn của mình, Sp1 lẽ ra chỉ cần nói “Mình còn chờ gì nữa mà không ra tiếp khách” nhưng vì muốn mỉa mai vào mối quan hệ thân mật trước kia của vợ nên anh ta đưa ra thêm, thậm chí còn nhấn mạnh vào, lượng tin “người nhân tình cũ”. Khi “lượng tin thừa” này được đưa vào thì phát ngôn chuyển từ phát ngôn cầu khiến sang phát ngôn mỉa mai.

1.2. Sự vi phạm phương châm về chất

Phương châm về chất trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice gồm có hai tiểu phương châm yêu cầu người nói: đừng nói những gì mà anh tin rằng không đúng; đừng nói những gì mà anh không có bằng chứng xác thực. Hành vi mỉa mai có thể được tạo ra bằng cách vi phạm một trong hai tiểu phương châm này. Ví dụ:

(1) - Sp1: Nói chứ, ông NTT thế mà hóm ra phết! Nhưng hiện nay ông đương lo một điều, ông cầu trời khấn phật rằng ai giữ P.H. cũ sẽ đem đốt đi hết!
(Vũ Trong Phụng toàn tập, tập1, tr. 586)


(2) - Sp1: Mợ là nhà quê đấy à? Mợ ngu đần xưa nay à? Mợ chưa tự nhiên mà tiếp khách bao giờ à?
(Vũ Trong Phụng toàn tập, tập2, tr. 586)


Trong (1), Sp1 đưa ra một dự đoán mà anh ta không có bằng chứng nào để xác thực điều dự đoán đó, mặc dù có thể là nó có thật (Sp1 mỉa mai việc báo P.H chạy theo dư luận, trước kia thì ra sức cổ suý cho phong trào nhảy đầm, bây giờ lại quay lại ra sức đả kích phong trào đó). Trong (2) Sp1 chất vấn Sp2 (vợ anh ta) những điều mà anh ta biết rõ là không đúng (Sp1 thừa hiểu vợ anh ta là một, theo cách gọi thời đó, “tân nữ lưu” hết sức lịch thiệp, thời trang, thông minh, tự chủ).

1.3. Sự vi phạm phương châm quan hệ

Phương châm quan hệ đòi hỏi các phát ngôn trong cuộc thoại phải có sự quan yếu về đề tài. Hành vi mỉa mai có thể được tạo ra bằng cách đưa ra những phát ngôn có vẻ như không liên quan gì đến đề tài đang được đề cập đến trong cuộc thoại. Ví dụ:

(Sp2 vay tiền bạn, đem giấy định viết văn tự)

- Sp1: Thôi! Đừng bày đặt văn tự, văn khê làm quái gì? Anh đưa giấy đây, tôi vẽ mặt anh là đủ.

- Sp2: Vẽ để làm gì?

- Sp1: Sợ lúc tôi đòi nợ, mặt anh khác bây giờ chăng?
(Tuyển tập truyện tiếu lâm Việt Nam, tr. 45)


Trong lượt lời thứ nhất, Sp1 đã đưa ra một yêu cầu (vẽ chân dung của Sp2) không ăn nhập gì với đề tài cuộc thoại (vay mượn tiền). Vì vậy đã gây ra sự không hiểu của Sp2 (thể hiện trong lượt lời của Sp2). Sự cắt nghĩa, lí giải của Sp1 trong lượt lời thứ 2 đã làm rõ mục đích mỉa mai bóng gió của Sp1 trong lượt lời thứ nhất.

1.4. Sự vi phạm phương châm cách thức

Phương châm cách thức đưa ra bốn yêu cầu (bốn tiểu phương châm) đối với người giao tiếp: Tránh lối nói tối nghĩa; Tránh lối nói mập mờ (có thể hiểu nhiều nghĩa); Hãy nói ngắn gọn; Hãy nói có trật tự. Hành vi mỉa mai có thể được tạo ra từ việc vi phạm ba tiểu phương châm đầu. Ví dụ:

(1) (Nhà vua (Sp2) vi hành, hỏi một lão nông (Sp1)về quan lại trong vùng)

- Sp1: Ối chà! Các quan ở đây đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ cả.

- Sp2: Làm sao mà lão biết?

- Sp1: Tôi xem hát xưa nay thấy các vai nịnh như Đổng Trác, Tào Tháo đều mặt trắng mà các quan ở đây tôi chưa thấy ông nào mặt trắng bao giờ. Ông nào cũng mặt mũi hồng hào, béo tốt cả!
(Tuyển tập truyện tiếu lâm Việt Nam, tr. 54)


Trong lượt lời thứ nhất, Sp1 đã nói không rõ nghĩa mà anh ta định nói. Vì vậy, chỉ trong lượt lời thứ hai, khi Sp1 giải thích tại sao lại có nội dung như trong lượt lời thứ nhất thì Sp2 mới hiểu đúng được ý định thực sự của Sp1 (mỉa mai các quan lại vì ăn nhiều của dân mà hồng hào béo tốt).

(2) (Các quan lại (Sp1) tham nhũng, bị nhà nho nọ (Sp2) rất khinh. Một hôm, các quan đến nhà chơi, nhà nho dọn cơm rượu thết)

- Sp1: Đây đĩa gì? Kia đĩa gì?

- Sp2: Đây là chó, kia cũng là chó, bẩm toàn chó cả.
(Tuyển tập truyện tiếu lâm Việt Nam, tr.53)


Lượt lời của Sp2 có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: Nghĩa tường minh: chỉ các món ăn làm bằng thịt chó, trả lời cho câu hỏi của Sp1; Nghĩa hàm ẩn: mỉa mai, ám chỉ bọn quan lại ngồi đó đều xấu xa, đáng bị khinh thường như loài chó cả. Đây cũng là cách tạo hành vi mỉa mai bằng biểu thức đa nghĩa chiếu vật.

(3) (Sp2 (gái điếm) không có tiền nhưng vẫn gọi phu xe (Sp1) kéo đi lòng vòng để tìm khách. Đi mãi không có khách, cũng không có tiền để trả)

- Sp1: Thế mà cũng vác mặt mặc cả xe giờ, lại còn vay tiền người ta mà mua thuốc lá với hạt dưa.(11, 111)

Phát ngôn trên của Sp1 có thể rút gọn lại như sau: “Mặc cả xe giờ, vay tiền mua thuốc lá, hạt dưa”. Nó gần như một lời trần thuật vậy. Nhưng khi Sp1 dùng các yếu tố khác (yếu tố miêu tả, yếu tố tình thái, yếu tố xưng hô): “thế mà cũng vác mặt, lại còn, người ta, mà, với” để cố tình kéo dài phát ngônthì nó trở thành một phát ngôn mỉa mai.

2. Sự vi phạm qui tắc chiếu vật

Vi phạm qui tắc chiếu vật là một trong những cơ chế để tạo ra hàm ngôn cho phát ngôn. Một qui tắc chiếu vật là qui tắc định vị vai giao tiếp thông qua những qui ước chặt chẽ trong việc sử dụng hệ thống từ xưng hô. Việc cố tình xưng hô không theo qui ước hoặc đột ngột thay đổi cách xưng hô trong cuộc thoại là một cách để tạo ra hàm ý mỉa mai. Ví dụ:

-Sp1: Em cứ đùa! Anh xin em để anh nói chuyện việc nhà với em..

- Sp2: Chuyện việc nhà cậu ư?
(Nửa chừng xuân, tr. 101)


Trong ví dụ trên, Sp2 chuyển từ xưng hô “em – anh” sang “cậu” ngầm mỉa mai chuyện Sp1 đang yêu mình mà nghe lời mẹ lấy người khác. Việc thay đổi xưng hô này làm cho khoảng cách giữa các nhân vật giao tiếp bị kéo xa ra trên trục cả hai trục: quan hệ thân sơ và quan hệ vị thế.

Chúng tôi nhận thấy rằng khi tạo ra hàm ý mỉa mai thì việc thay đổi xưng hô từ xác định sang phiếm chỉ cũng là một cách thức được sử dụng khá nhiều. Chẳng hạn:

(Bà huyện trước kia vay tiền để mua chức cho chồng, nay chồng mất chức mà chưa trả được nợ. Chủ nợ (Sp1) đến nhà đòi nợ, lúc đầu còn xưng hô “chị - em”, sau chuyển sang “đứa nào - người ấy”)

- Sp1: Này, do đồng tiền của đứa nào mà người ấy được vác mặt lên bảnh choẹ làm bà lớn thì chớ quên. Mua danh ba vạn bán danh chẳng được đồng nào đâu.
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 3, tr. 509)


Hàm ngôn mỉa mai còn có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các biểu thức đa nghĩa chiếu vật. Tuy nhiên cách thức này lại tương tự với việc cố tình vi phạm tiểu phương châm “tránh nói mập mờ, có thể hiểu nhiều nghĩa” trong phương châm cách thức của nguyên tắc cộng tác hội thoại.

3. Nhại

Nhại là một cách để mỉa mai được sử dụng khá phổ biến. Người nói có thể nhại lại nguyên văn lời của người nghe hoặc có sự biến đổi. Ví dụ:

(1) (Sp1, nay đã thành người nổi tiếng, danh giá, nhắc lại nguyên văn những từ mà Sp2 và những người khác đã nói về mình khi mình còn là kẻ ở dưới đáy xã hội)

- Sp1: Tôi thì danh giá gì? Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần, không đứng đắn, chỉ đáng nhổ vào mặt!

- Sp2: Ấy chết! Ai lại dám nói thế? Sao quan đốc lại nói thế? Có điều gì mà quan đốc có vẻ không vui thế? Hay là nhà này có ai sơ suất điều gì?

- Sp1: Tôi chỉ muốn được ngươì ta nhổ vào mặt, tát vào mặt.

- Sp2: Mời quan đốc ngồi chơi. Nào nhà này có ai sơ suất lỡ lời gì đâu?
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 2, tr. 295)


(2) – Sp1: Anh Mô ơi, anh Mô

- Sp2: A! Cô Hà đấy à? Gì thế? Tôi ngủ mê, chẳng nghe thấy gì.

- Sp1: Tôi biết rồi! Ngủ mê! Chẳng nghe thấy gì!

- Sp2: Thật đấy! Ai nói dối?
(Tuyển tập Nam Cao, tr. 518)


(3) - Sp1: Đã vào thì cứ vào phăng ngay đi lại còn trù trừ mãi.

- Sp2: Anh ngu lắm! Dù sao cũng phải giữ cái giá trị của mình mới được chứ.

- Sp1: Giá trị! Lại còn giá trị! Có họa giá trị cái cóc khô!

Trong (1) và (2), Sp1 nhại lại y nguyên lời của Sp2 để mỉa mai. Trong (3), Sp1 vừa nhại lại lời Sp2 vừa có sự biến đổi bằng cách thêm vào từ ngữ của mình.

4. Mượn

Người nói có thể sử dụng rất nhiều “nguồn” để tạo ra hàm ý mỉa mai trong phát ngôn của mình, đặc biệt là từ tục ngữ, ca dao, truyện ngụ ngôn, ngoài ra còn có thể mượn từ các tích truyện hay các tác phẩm văn học khác. Người nói có thể sử dụng nguyên văn hoặc có thể biến đổi về hình thức, thậm chí nội dung của nguồn mượn.

Tục ngữ, ca dao có rất nhiều câu vốn đã có ý nghĩa mỉa mai. Chẳng hạn:

- Rán sành ra mỡ; Vắt cổ chày ra nước; Mèo mù vớ cá rán; Mất bò mới lo làm chuồng v.v…

- Lươn ngắn lại chê trạch dài

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm

- Con cóc nằm ngóc bờ ao

Lăm le lại muốn đớp sao trên trời v.v…

Các câu trên có thể dùng nguyên văn trong các tình huống giao tiếp là đã trở thành các phát ngôn mỉa mai. Tuy nhiên, người nói vẫn có thể thay đổi bằng cách thêm hay bớt từ ngữ để cho phù hợp với giọng điệu mỉa mai mà mình muốn tạo ra hoặc nói lấp lửng nửa chừng mà người nghe vẫn có thể hiểu được hàm ý của mình. Ví dụ:

- Tưởng ta cừ lắm đấy! Rõ thật là cú không biết thân cú hôi có khác. (Nguyên văn là: “Nếu cú biết thân cú hôi thì cú đã chẳng hôi”).

- Úi chào ôi, tưởng rằng chị ngã em nâng… (Nguyên văn cả câu ca dao này là “Tưởng rằng chị ngã em nâng. Ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười”).

Khi mượn các truyện ngụ ngôn hay tích truyện, tích sử, người nói chỉ cần nhắc lại tên nhân vật hay tên tác phẩm hoặc một vài từ quan trọng trong tác phẩm là có thể tạo ra hàm ý mỉa mai trong phát ngôn của mình. Ví dụ:

(1) Chu Mạnh Trinh biết Nguyễn Khuyến bị loà không trông thấy được cái đẹp liền chơi xỏ bằng cách tặng ông một cây hoa trà là loài hoa hữu sắc vô hương. Trong bài Tạ lại người cho hoa trà, Nguyễn Khuyến viết: “Mưa nhỏ những khinh phường xỏ lá. Gió to luống sợ lúc rơi già”. Ông mượn câu thơ chữ Hán “Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp. Tiêu sắt thời phong khủng lạc già” (nghĩa là những trận gió to làm cho đài hoa rụng ai cũng biết được còn những hạt mưa nhỏ làm cho thủng lá thì ít ai biết nên càng nguy hiểm hơn) để mỉa mai Chu Mạnh Trinh là phường tiểu nhân, xỏ lá đáng sợ.

(2) - Sp1: Thì ra anh vẫn có bụng tốt với tôi. Những khi anh sỉ nhục tôi là đồ ăn hại, mắng tôi là ương gàn chẳng qua là muốn cho tôi trở nên tốt và đó là chính sách của Dương Lễ đối với Lưu Bình vậy!
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 5, tr. 382)


(Sp1 dùng tích Lưu Bình Dương Lễ để mỉa mai việc Sp2 cư xử tệ bạc với mình một cách thực sự khi mình còn hàn vi).

Hoặc Sp1 dùng tên tác phẩm với nghĩa khác hoàn toàn với nghĩa vốn có của nó. Ví dụ:

- Tôi chợt thấy trong trí nhớ lại hiện ra cái cảnh tượng bà Kiểm lâm bị anh chồng Đức đánh đập. Cái mặt bữa ấy với cái mặt của bà bây giờ (trong đêm tân hôn với anh chồng mới) cũng thản nhiên như vậy mà thôi. Phía Tây không có gì lạ!
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập1, tr. 254)


“Phía Tây không có gì lạ” là tên một tác phẩm về chiến tranh thế giới lần II của nhà văn Đức, nói về những cái chết khủng khiếp và sự mất mát vô nghĩa lí của những người lính Đức trên chiến trường, trong khi những thông báo đưa về chỉ có một câu đơn giản: “Phía Tây không có gì lạ”. Trong phát ngôn trên, người nói, tuy sử dụng nguyên văn tên tác phẩm, nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác: mỉa mai cái sự trơ như đã vững như đồng, chai lì trong cảm xúc của những người đàn bà làm nghề lấy Tây như bà Kiểm lâm.

Hoặc hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được Nguyễn Khuyến mượn để mỉa mai ông thầy đồ mê gái bị lừa trong bài Thầy đồ mất vợ:

Thầy đang dở giấc nào hay

Tỉnh ra cô đã bỏ thầy cô đi

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không?
(Thơ văn Nguyễn Khuyến, tr. 173)


Hai câu thơ cuối mượn nguyên văn trong Truyện Kiều nhưng nó không dùng để nói lên tâm trạng băn khoăn, hồi hộp của cô thiếu nữ lần đầu biết yêu nữa mà hàm ý mỉa mai ông thầy đồ trước một sự việc đã rồi.

5. Tách từ

Trong tiếng Việt có những cụm từ được người nói cố tình tách ra để tạo nên nghĩa mỉa mai trong phát ngôn. Chẳng hạn:

- Ối chà! Vẽ! Con dâu về nhà chồng bụng to bằng cái thúng, lại còn vẽ tế với lễ!
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập3, tr. 254)


- Phú quí lắm thì đừng sinh lễ nghĩa à? Mà lễ với nghĩa lắm thì lợi hay hại đấy, ông xem!
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập5, tr. 428)


- Chơi với bời! Cái lúc nó mới đến trông như con giun chết, cạy gỉ mũi còn chưa sạch thì không thấy chơi với bời!

(Tuyển tập Nam Cao, tr. 148)

- Vâng, tôi biết mợ văn minh rồi. Hừ, cách với mệnh.
(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 3, tr. 428)


Các từ “tế lễ, lễ nghĩa, chơi bời, cách mệnh” vốn không có nghĩa mỉa mai nhưng khi người nói tách chúng ra thành “tế với lễ, lễ với nghĩa, chơi với bời, cách với mệnh” thì chúng lại mang ý nghĩa mỉa mai rất rõ ràng.

6. Chơi chữ (đồng âm, đồng nghĩa, đối)

Người nói có thể sử dụng hiện tượng đồng âm hoặc đồng nghĩa của từ để tạo ra phát ngôn mỉa mai. Ví dụ:

(1) Đi tu Phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.

(Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, 108)

(2)- Ấy, con ông ấm đấy! Ấm đồng hay ấm đất đấy? Ấm thổ tả! Ấm đi chui vào buồng con ở nhà người ta..

(Tuyển tập Nam Cao, tr. 240)

(3)- Sp1: Thế các người tưởng làm đàn ông thì không nhục à?

- Sp2: Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục. Tâm càng lớn càng nhục.

- Sp3: Thôi, đi ăn. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm sen. Tâm đấy!

(Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, tr. 26)

(4) Quan võ (Sp1) làm câu đối xỏ quan thị (Sp2):
Thị vào hầu thị đứng thị trông
Thị cũng muốn thị không có ấy.


Quan thị xỏ lại:
Vũ cậy mạnh vũ ra vũ múa
Vũ gặp mưa vũ ướt cả lông.
(Tiếng cười dân gian Việt Nam, 60)


Trong (1), người nói sử dụng từ “cầy” và “chó” đều có chung một nghĩa để mỉa mai những sư, những tiểu đi tu mà còn ham thích những thú vui trần tục. Trong (2), người nói sử dụng từ “ấm” vừa có nghĩa chỉ vật để đun nước vừa có nghĩa chỉ một chức phận. Trong (3), người nói Sp3 dùng từ “tâm” vừa có nghĩa chỉ tấm lòng con người (nhân tâm) vừa chỉ vật ở vị trí trung tâm (tâm sen). Trong (4), Sp1 dùng chữ “thị” với bốn nghĩa và được giải thích ngay: chữ thị đầu tiên là hầu, chữ thứ hai là trông, chữ thứ ba là muốn, chữ thứ tư là ấy. Tham thoại hồi đáp của Sp2 cũng là một hành vi mỉa, sử dụng chữ “vũ” với bốn nghĩa và cũng giải thích ngay: chữ đầu tiên là mạnh, chữ thứ hai là múa, chữ thứ ba là mưa, chữ thứ tư là lông.

Ngoài sử dụng các từ đồng âm, đồng nghĩa, chơi chữ bằng cách đối cũng là một phương thức tạo ra hàm ý mỉa mai rất đắc dụng của người xưa. Ví dụ:

(1) Miệng kẻ sang có gang có thép

Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.

(Tiếng cười dân gian Việt Nam, tr. 234)

(2) Giời sinh ông Tú Cát

Đất nứt con bọ hung.

(Tiếng cười dân gian Việt Nam, tr. 223)

(3) Quan huyện Thạch sang bến đò Thạch

Con chó vàng ăn cục cứt vàng.

(Tuyển tập truyện tiếu lâm Việt Nam, tr. 58)

(4) Miệng quan, trôn trẻ.

(Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, tr. 362)

Trong các câu trên, người nói đều lợi dụng phép đối để hạ thấp đối tượng mỉa mai: “miệng kẻ sang - đồ nhà khó; ông Tú Cát – con bọ hung; quan huyện Thạch – con chó vàng; miệng quan – trôn trẻ”. Việc mỉa mai, xỏ xiên bằng cách đối như trên thường làm cho đối tượng mỉa mai “chết điếng” nhưng cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

7. Tạo tương phản

Chúng tôi nhận thấy tạo tương phản là một trong những phương thức tạo lập hành vi mỉa mai được sử dụng phổ biến nhất. Ví dụ:

(1) Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi.

(Tú Xương – tác phẩm, giai thoại, tr. 61)

(2) Ngày năm thê bảy thiếp

Đêm trọn kiếp nằm không.

(Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, tr. 72)

(3) Hà Nội, số gái đĩ là năm nghìn, Pari là sáu vạn. Hà Nội, kể về đủ mọi phương diện, liệu có to bằng một phần mười của Pari không? Thế nhưng mà kể đến cái dâm dục, cái số người làm đĩ, thì đối với Pari, Hà Nội gần được một phần mười. Những con số ấy thừa cái hùng hồn để ta biết rằng chúng ta “tiến hoá” nhanh chóng lắm vậy ôi!

(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 3, tr. 376)

(4) Ấy, cả người ngợm không đáng nửa đồng xu mà khẩu khí lại to đến thế!

(Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập3, tr. 351)

Sự tương phản tạo nên hàm ý mỉa mai thường là những sự tương phản tráí với lẽ thường. Chẳng hạn, nếu như đưa ra một phát ngôn như: “Tay cậu ấm mà tay mình lạnh quá nhỉ!”, cũng là đưa ra một sự tương phản nhưng nó không có hàm ý mỉa mai vì sự tương phản này chỉ phản ánh đúng một hiện tượng trong thực tế, không có gì mâu thuẫn với lẽ thường. Còn như trong (1), nói đến “sĩ khí” là người ta liên tưởng ngay đến tinh thần mang tính tích cực của kẻ sĩ thời trước. Nhưng người nói lại đặt từ “sĩ khí” bên cạnh từ “rụt rè” chỉ thái độ sợ sệt, nhút nhát, tiêu cực, đồng thời nhấn mạnh thêm thái độ tiêu cực đó bằng thành ngữ “gà phải cáo” khiến cho từ “sĩ khí” thành ra lại mang nghĩa mỉa mai sự hèn nhát của cả tầng lớp nhà nho lúc đó. Hoặc như trong (4), lẽ thường thì những người mà thấp kém, nhỏ bé hay ăn nói nhỏ nhẹ, yếu ớt vì họ biết thân phận mình. Nhưng ở đây người nói lại đưa ra sự tương phản giữa thân phận của đối tượng mỉa mai “người ngợm không đáng nửa đồng xu” với cách ăn to nói lớn của đối tượng đó “khẩu khí lại to đến thế”. Có thể thấy ngay là sự tương phản kết hợp với sự phóng đại và các yếu tố cảm thán sẽ tạo nên hàm ý mỉa mai rất rõ ràng.

Tóm lại, có thể thấy rằng các phương thức tạo lập hành vi mỉa mai trong tiếng Việt rất đa dạng, phong phú đồng thời việc tiếp nhận và lí giải nó trong thực tế giao tiếp cũng rất phức tạp. Việc nghiên cứu về các phương diện khác của cơ chế tạo lập hành vi mỉa mai, vì vậy, đòi hỏi thêm rất nhiều thời gian và công sức.
ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ

vo hang vinh

Tổng số bài gửi : 23
Join date : 29/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Phương thức tạo lập hành vi mỉa mai Empty Re: Phương thức tạo lập hành vi mỉa mai

Bài gửi by Ta T. Thuy Nhung 20/11/09, 03:44 pm

cam on ban chia se bai viet nay
Ta T. Thuy Nhung
Ta T. Thuy Nhung

Tổng số bài gửi : 30
Join date : 22/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết