NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta

Go down

So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta Empty So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số nước ta

Bài gửi by ng thi thanh huyen 11/12/09, 05:04 am

http://vietnamcayda.com/diendan/showthread.php?t=7919
Theo tâm lí học, so sánh là đối chiếu, xem xét mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, từ đó tìm ra những cái chung và những cái riêng của sự vật hay hiện tượng. So sánh là để hiểu biết đầy đủ hơn các đặc điểm của sự vật hay hiện tượng. So sánh là cơ sở của sự khái quát hoá. So sánh tục ngữ của người Việt với tục ngữ của các dân tộc thiểu số ở nước ta là tìm ra những cái giống nhau, cái gần giống nhau, cái khác biệt với định hướng tìm đến cái chân, thiện, mĩ trong tục ngữ các dân tộc ở nước ta. Tục ngữ Việt Nam có giá trị về nhiều mặt, được đúc kết từ đời sống cộng đồng của từng dân tộc và từ những mối quan hệ với cộng đồng các dân tộc anh em. So sánh tục ngữ của người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số là góp phần làm rõ nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.


1. So sánh nội dung tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam trong quan hệ với thiên nhiên và lao động sản xuất

Văn học dân gian nói chung và tục ngữ nói riêng xuất phát trực tiếp từ lao động rồi trực tiếp phục vụ cho lao động sản xuất và người lao động. Tục ngữ là tiếng nói được tổng kết từ cuộc sống của nhân dân trong mối quan hệ với thiên nhiên và lao động sản xuất, là sản phẩm của tư duy người lao động bắt đầu từ những nhận xét giản đơn về thời tiết, khí hậu đã ảnh hưởng đến lao động và đời sống của con người. Những nhận xét đó, qua chiêm nghiệm được xem như quy luật của thiên nhiên tác động đến sản xuất và cũng có thể là những kinh nghiệm đã trở thành tập quán “xưa làm, nay bắt chước”, lưu truyền trong nhân dân. Sống trong một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước hoặc làm nương rẫy, người Việt cũng như các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta khác với người Việt và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Nam Bộ, do điều kiện thiên nhiên khác nhau, đất đai cũng khác nhau nên phán đoán, nhận xét, kinh nghiệm về dự báo thời tiết hoặc kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cũng khác nhau. Ở phía bắc nước ta thường có bốn mùa tương đối rõ rệt nhưng ở phía nam chỉ có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Tuy rằng, ở đâu cũng có thể “trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm” để sản xuất nông nghiệp, ở đâu cũng phải đầy đủ “tứ pháp bảo” là “nước, phân, cần, giống” mang tính quy luật của sản xuất nông nghiệp trong cả nước, nhưng cách vận dụng trong thực tiễn ở mỗi vùng, miền có khác nhau. Ở phía bắc nước ta, có thể thấy rất rõ trong tục ngữ có chủ đề quan hệ thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có nhiều câu nói về kinh nghiệm trồng lúa nước; còn ở vùng trung du, miền núi, tục ngữ về quan hệ thiên nhiên, lao động nông nghiệp lại nói nhiều đến kinh nghiệm làm nương rẫy. Như vậy, nhìn tổng quát, tục ngữ của người Việt và của các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta phần lớn nói về sản xuất nông nghiệp được đúc kết thành những kinh nghiệm có giá trị, lưu truyền trong từng dân tộc và trao đổi với các dân tộc khác.


Trong điều kiện khoa học chưa phát triển, việc xem xét các hiện tượng thiên nhiên, đặt mối tương quan ảnh hưởng của thời tiết với đất đai, cây trồng để rút ra những kinh nghiệm là một vấn đề không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Có lẽ tác động quan trọng nhất của thiên nhiên đối với sản xuất và đời sống là mưa và nắng. Nếu tục ngữ người Việt có câu “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” thì các dân tộc thiểu số phía bắc nước ta cũng có những câu gần giống:

- Quầng đen thì hạn, quầng trắng thì mưa. (dân tộc Mường)

Hoặc:

- Trăng đội nón sắt thì lụt, trăng đội nón đồng thì mưa. (dân tộc Thái)

- Trăng có quầng đen như sắt là sắp có mưa lũ, trăng có quầng vàng như đồng là hạn lâu. (dân tộc Tày)

- Mặt trăng đội nón đất khô, mặt trăng căng ô đất sụt. (dân tộc Giáy)


Trông trăng rồi lại trông sao cũng để dự báo mưa nắng:

- Sao dày thì mưa, sao thưa thì nắng. (dân tộc Việt)

- Sao mờ thì hạn, sao sáng thì mưa. (dân tộc Mường)

- Trời sắp nắng sao tỏ, trời sắp mưa sao mờ. (dân tộc Thái)

(Lưu ý nhận xét về quan hệ giữa nắng với “sao”, giữa “mưa” với “sao” có khác nhau giữa tục ngữ dân tộc Mường với tục ngữ dân tộc Thái). Về sấm, tục ngữ người Việt và tục ngữ các dân tộc thiểu số phía bắc đều thống nhất nhận xét:

- Mấy đời sấm trước có mưa. (dân tộc Việt)

- Sấm trước trời không mưa. (dân tộc Thái)

- Trời nổi sấm trước khi mưa là trời hạn hán. (dân tộc Tày)

- Trời kêu trước không mưa. (dân tộc Dao)


Hiện tượng “cóc nghiến răng” ngày nay đã được khoa học giải thích nhưng từ xưa, người Việt cũng như người dân tộc thiểu số đều đúc kết về dự báo mưa:

- Cóc nghiến răng đang nắng thì mưa. (dân tộc Việt)

- Ếch kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước. (dân tộc Việt)

- Ếch kêu từng loạt, trời sắp mưa. (dân tộc Dao)

- Cóc nghiến răng không lụt cũng mưa. (dân tộc Mường)


Qua nhiều năm tháng chiêm nghiệm, phán đoán về lịch trời mưa trong năm qua, tục ngữ các dân tộc lại có sự khác biệt:

- Mồng chín tháng chín không mưa
Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn. (dân tộc Việt)

- Mồng hai tháng hai không mưa
Cha con sắm sửa sọt sưa đi Lào
Mồng hai tháng hai có mưa
Cha con sắm sửa cày bừa làm ăn. (dân tộc Thái)


Về rét, tục ngữ người Việt và tục ngữ người Mường chung một cổ tích:

- Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân. (dân tộc Việt)

- Tháng ba rét lại một lần cho nàng Bân may áo. (dân tộc Mường)


Hạn hán là mối lo thường xuyên đối với nhà nông, ngược lại, nước đủ là nhân tố số một cần thiết cho cây trồng, đặc biệt đối với lúa nước. Trong tục ngữ các dân tộc đều đúc kết:

- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. (dân tộc Việt)

- Làm ruộng nhất nước nhì phân. (dân tộc Mường)

- Đào nương không sợ uổng công, đắp phai chớ sợ phí sức. (dân tộc Thái)

- Thứ nhất kịp thì, thứ nhì đủ nước, thứ ba đủ phân, thứ tư làm cặm cụi, thứ năm chọn hạt giống. (dân tộc Tày)


Nói đến thời vụ, giống má, lao động, cách diễn đạt trong tục ngữ có khác nhau nhưng kinh nghiệm có “tính nguyên tắc” vẫn thống nhất:

- Đầu mùa cấy vào đám cỏ cũng được ăn, cuối mùa cấy vào đám lẫy cũng phí sức. (dân tộc Việt)

- Đầu vụ cấy vào đám cỏ cũng được ăn, cuối vụ cấy vào đám trâu đầm cũng không được ăn. (dân tộc Thái)

- Mạ già ruộng ngấu cấy đâu được đấy. (dân tộc Việt)

- Ruộng chờ mạ mới tốt, mạ chờ ruộng không tốt. (dân tộc Mường)

- Ruộng chờ mạ ruộng kĩ càng tốt, mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào. (dân tộc Tày)

- Ruộng đợi mạ mới tốt, mạ chờ ruộng thóc ít. (dân tộc Giáy)


Ngoài ra, ruộng cày để đất ải, đất nỏ cũng là kinh nghiệm lâu đời:

- Đất nỏ giỏ phân. (dân tộc Việt)

- Ruộng cày tháng chạp không bỏ phân cũng tốt. (dân tộc Tày - Nùng)

là kinh nghiệm làm đất, để ải, hanh khô về tháng chạp ở các dân tộc vùng Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... Rồi đến kinh nghiệm cổ truyền về lao động, đặc biệt là làm cỏ:

- Nắm cỏ giỏ thóc.

- Công cày là công bỏ, công làm cỏ là công ăn. (dân tộc Việt)

- Nắm cỏ giỏ phân.

- Ruộng sạch cỏ, ló (lúa) đầy bồ. (dân tộc Mường)


Còn có thể kể thêm nhiều tục ngữ về cây trồng gặp khi thời tiết thất thường:

- Được mùa lúa úa mùa cau. (dân tộc Việt)

- Cây nhãn sai quả nước lũ to, cây lai sai quả có tuyết sương giá. (dân tộc Tày)

Trong chăn nuôi, người nông dân dù là Việt, Mường, Dao hay Tày, Nùng, Thái đều thống nhất đúc kết kinh nghiệm:

- Yếu trâu hơn khoẻ bò. (dân tộc Việt, Mường, Dao...)

Và khi chọn giống vật nuôi:

- Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, nhanh như chớp. (dân tộc Việt)

- Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, làm giàu cho chủ. (dân tộc Thái)


Nhận thức, đánh giá về nghề nông ở các dân tộc rất thống nhất là điều dễ hiểu vì kinh tế cổ truyền nước ta cơ bản vẫn là nông nghiệp. Tuy giai cấp phong kiến có sắp xếp thứ tự “sĩ, nông, công, thương” là tứ dân của xã hội ta xưa nhưng trong tục ngữ các dân tộc thì:

Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. (dân tộc Việt)

Và:

Mười anh buôn bán không bằng một anh làm ruộng. (dân tộc Tày)


Tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số phía bắc nước ta như đã phân tích và dẫn chứng trên đây về cơ bản có tính thống nhất. Bên cạnh đó, tính đa dạng được biểu hiện gắn liền với thuỷ thổ, môi trường địa phương, cây, con từng vùng cụ thể. Dân tộc Thái nghe con cồ cộ, con ì điềng kêu để phán đoán mùa màng: "Cồ cộ kêu bụng nép, ì điềng kêu bụng no”, dân tộc Dao thì dựa vào con hươu: “Hươu cười trời nắng, hươu kêu trời mưa”; dân tộc Tày – Nùng dựa theo quả dâu gia để gieo cấy: “Quả dâu gia nhét vừa lỗ mũi thì gieo mạ, quả dâu gia tím như dái ngựa thì cấy”... Có thể thấy, hình như mỗi dân tộc đều theo nông lịch kết hợp với xem mưa nắng, thời tiết mà gieo trồng cho đúng thời vụ, tuy nhiên, vào tháng nào, làm việc gì thì không thể giống nhau do thuỷ thổ không đồng nhất và các vùng tiểu khí hậu khác nhau có ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp. Một nhận xét nổi bật nhưng dễ giải thích là trong tục ngữ người Việt có những câu nói về nghề biển như “May mùa sông, đông mùa bể” (gió heo may hay được cá sông, gió đông hay được cá bể) hay “Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông” (thời điểm đi đánh tôm, cá)... nhưng loại tục ngữ này vắng mặt trong các dân tộc thiểu số.


So sánh tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất của người Việt và của các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta, có thể kết luận:

1. Sự thống nhất trong nội dung của tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số khá rõ nét vì hầu như tất cả các tục ngữ đó đều là đúc kết từ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nắng nhiều thất thường, lụt bão thường năm không nhiều thì ít tác động đến mùa màng.

2. Sự đa dạng trong nội dung các tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số chỉ thể hiện trong một số tục ngữ gắn liền với điều kiện đất đai từng vùng miền khác nhau với các vùng tiểu khí hậu mà mỗi dân tộc đang sinh sống.

3. Những kinh nghiệm về quan hệ thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp được đúc kết trong tục ngữ người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta, trong tính thống nhất và đa dạng đều là kết quả về tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân, chứng minh nguồn gốc dân gian của khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những tri thức sản xuất được đúc kết trong tục ngữ còn ở kinh nghiệm thực tiễn, chưa có căn cứ khoa học vững chắc. Có một số kinh nghiệm chung, chính xác nhưng cũng có những kinh nghiệm về quy luật thiên nhiên ở một vùng trong một thời gian nhất định không mang tính phổ biến.

4. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong tục ngữ người Việt có một số câu nói về việc cải tiến kĩ thuật nông nghiệp, về cách làm ăn như: “Kĩ thuật là khoá, văn hoá là chìa”, “Một sáng kiến hay bằng nghìn tay lao động”, “Làm việc không kế hoạch như bắt chạch đằng đuôi”... chắc là kết quả giao lưu giữa người Việt và các dân tộc thiểu số, có thể đã được áp dụng ít nhiều, tuy nhiên, chưa đọng lại thành tục ngữ của các dân tộc thiểu số hoặc đã có nhưng chưa được sưu tầm đầy đủ.


2. So sánh nội dung tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số phía bắc Việt Nam trong quan hệ xã hội:

Theo Các Mác, “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội” [2]. Luận đề nổi tiếng này cho thấy rõ không thể hiểu con người nhân văn và con người xã hội tách biệt khỏi môi trường sống, lao động, đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội. Quan hệ xã hội là quan hệ hình thành giữa người và người trong quá trình lao động. Quan hệ xã hội có thể phân làm quan hệ vật chất và quan hệ tư tưởng, trong đó quan hệ kinh tế là quan trọng nhất. Quan hệ sản xuất quyết định tính chất của những quan hệ khác như quan hệ chính trị, pháp luật...” [9]. Luận đề của Mác về con người cho thấy rõ mối quan hệ tư tưởng đạo đức, lao động, lối sống, thực chất là quan hệ giữa người với người cùng hoạt động trong quá trình lịch sử. Tục ngữ các dân tộc ở nước ta đã phản ánh các mối quan hệ đó. Nước ta có chế độ phong kiến hàng nghìn năm, trong hệ tư tưởng của các dân tộc ở nước ta, bên cạnh tư tưởng dân chủ của nông dân, tác động tư tưởng của giai cấp thống trị khá mạnh mẽ cùng với tư tưởng Nho giáo còn có tư tưởng Phật giáo, Lão, Trang... Điều đáng chú ý là nhân dân ta vừa đấu tranh chống những mặt tiêu cực của giai cấp phong kiến thống trị lại vừa tiếp thu có chọn lọc những mặt tích cực như “nhân nghĩa”, “kiêm ái”, “tu, tề, trị, bình”... của Nho giáo, như “vị tha” của Phật giáo... Cho nên tìm hiểu nội dung tục ngữ về quan hệ xã hội của nhân dân ta có thể trên nhiều mặt nhưng trong so sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số, dưới đây chỉ đi sâu nghiên cứu sự so sánh đó trong quan hệ với bản thân, với gia đình và với xã hội.


2.1. Con người Việt Nam trong tục ngữ người Việt và tục ngữ các dân tộc thiểu số ở phía bắc

Nhân cách người Việt Nam được phản ánh trong tục ngữ người Việt cũng như trong tục ngữ của các dân tộc thiểu số ở phía bắc nước ta là con người có văn hoá, trước hết là con người lao động. Sống trong môi trường thiên nhiên nhiều mưa, nắng, lụt bão, hạn hán liên miên, để sinh sống, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, các dân tộc ở nước ta phải lao động cần cù để có miếng ăn. Hầu như tục ngữ của dân tộc nào cũng nói đến đức tính siêng năng. Người Việt có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” và các dân tộc khác cũng có tục ngữ theo nội dung ấy: “Miệng nói tay làm, tay làm hàm nhai” (dân tộc H'Mông); “Tay làm tay ăn, có làm có ăn” (dân tộc H'Mông); “Hai bàn tay nuôi cái miệng” (dân tộc Tày); “Miếng ăn nằm ở chân tay, lúa gạo càng đầy mặt đất” (dân tộc Thái); “Miệng nhặt tay bới” (dân tộc Tày - Nùng). Mấy câu trên mới nói đến quan hệ nhân quả “làm - ăn” còn làm như thế nào thì phải trải qua bao gian khổ vất vả: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “Bát mồ hôi đổi lấy bát cơm” (dân tộc Việt); “Phơi nắng khô da mặt, leo núi rách bàn chân” (dân tộc Giáy); “Một hột gạo mười hột mồ hôi” (dân tộc Dao); “Đất không cho bạc, trời không cho của, phải rơi giọt mồ hôi mới có ăn” (dân tộc Tày)... Đương nhiên, lười biếng thì bị phê phán: “Ăn thì cúi trốc (đầu), đẩy nôốc (thuyền) thì vang làng” (dân tộc Việt); “Có ăn thì lăn cho chóng, có việc thì nống cho nhanh” (dân tộc Mường)... Các đức tính gắn liền với lao động như làm ăn thật thà, tiết kiệm, lo xa... đều có trong tục ngữ các dân tộc: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ” (dân tộc Việt); “Của bắt được là của rẻ” (dân tộc Mường); “Của làm ra như nước nguồn, của ông bà để cho như nước lũ” (dân tộc Tày – Nùng). Tục ngữ người Việt có câu: “Bớt bát mát mặt”, tục ngữ H'Mông có câu: “Có nhiều mặc nhiều, có ít mặc ít, không có thì thôi” và dân tộc Thái: “Khéo dành dụm thì có, khéo dè xẻn thì giàu”... lao động trước hết là để có ăn nhưng lao động còn là phương thức để rèn luyện con người. Các dân tộc ở nước ta đều thống nhất nhận thức: “Nói phải đi đôi với làm”, “Nói chín thì nên làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê” (dân tộc Việt); “Làm nhiều khoẻ người, nói nhiều người dại” (dân tộc Giáy). Một nhận thức được đúc kết trong nhiều tục ngữ của các dân tộc và thống nhất ở mức độ khá cao là muốn làm tốt thì phải học, vì: “Có đi mới đến, có học mới khôn” (dân tộc Việt); “Đi mãi khắc đến, học mãi khắc biết đầy đủ” (dân tộc Tày); “Học nhiều thì biết, làm nhiều thì quen” (dân tộc Thái). Tục ngữ các dân tộc đều thống nhất việc gì cũng phải học: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” (dân tộc Việt); “Học ăn, học uống, học nói, học làm” (dân tộc Thái). Tư tưởng hiện đại của nhân loại “học suốt đời” đã có trong tục ngữ các dân tộc ở Việt Nam: “Học khôn học đến chết, học nết học đến già” (dân tộc Việt); “Học khôn học khéo học đến già” (dân tộc Thái); “Học khôn học đến chết, học điều hay học đến già” (dân tộc Tày)... Trả lời câu hỏi “Học như thế nào?”, tục ngữ các dân tộc cũng chỉ rõ: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm” (dân tộc Việt); “Học ăn, học suy, học nói, học làm” (dân tộc Thái); “Học thầy, học bạn vô vạn phong lưu” (dân tộc Thái). Quan điểm về tự học, tự suy nghĩ đã có từ lâu trong tục ngữ Thái: “Cha mẹ dạy không bằng thầy dạy, thầy dạy không bằng tự mình suy nghĩ”. Tục ngữ các dân tộc ở Việt Nam cho rằng học là lao động, phải siêng năng, chống thói lười biếng: “Có chí thì nên”; “Có công mài sắt có ngày nên kim” (dân tộc Việt); “Có chí mài lưỡi cày thành kim” (dân tộc Tày – Dao); “Học không hay, cày không biết” (dân tộc Việt); “Học võ không đủ (miếng) đánh, học tiếng không đủ (lời) nói” (dân tộc H'Mông)...


Trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng, con người có văn hoá là con người biết tư duy, hành động, ứng xử hướng về điều thiện, điều chân. Tư tưởng tích cực của Nho giáo, nhất là Phật giáo ở đây hoà hợp với tư tưởng nhân văn của người Việt Nam. Những tục ngữ: “Ở hiền gặp lành”, “Ở ác gặp ác”, “Tích thiện phùng thiện”, “Cứu nhất nhân đắc vạn phúc”, “Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên”, “Lời sai đừng nghe, việc tốt phải nghĩ”, “Thương người như thể thương thân” trong tục ngữ người Việt đều có nội dung gần với tục ngữ các dân tộc thiểu số: “Ở ác thì choạc sừng nai” (dân tộc Mường); “Thiện, thiện dã, ác, ác báo” (dân tộc Thái); “Nhà hẹp, trái tim rộng” (dân tộc Tày); “Ác như gấu cái đang nuôi con” (dân tộc Tày); “Người có đừng bỏ người khó” (dân tộc Dao); “Người tốt khắp mường biết, người ác khắp mường đồn” (dân tộc Giáy)...


Phương pháp tư duy khách quan, xử lí phù hợp với hoàn cảnh khách quan, nhìn sự vật trong sự phát triển của nó đều in dấu trong tục ngữ người Việt cũng như các dân tộc thiểu số anh em: “Ăn theo thuở, ở theo thì”, “Biết người biết ta”, “Không thái quá, đừng bất cập”, “Sông có khúc, người có lúc”, “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” (dân tộc Việt) và “Ăn một thuở, ở một thì” (dân tộc Mường); “Làm quá người ta ghét, phải biết mình biết người” (dân tộc Thái); “Không ai giàu ba đời” (dân tộc Dao); “Khổ chẳng khổ ba năm, khó chẳng khó ba đời” (dân tộc Giáy); “Khoai riềng có khúc to khúc nhỏ, đời người có khúc lên khúc xuống” (dân tộc H'Mông)...


Giao tiếp, cách ăn ở, nói năng, đi lại cũng là một yêu cầu lớn của nếp sống văn hoá mà người Việt Nam, dù đa số hay thiểu số đều quan tâm rèn luyện. Số tục ngữ có kết cấu với từ “ăn”, “nói” đều được hiểu đầy đủ về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong tục ngữ người Việt có những câu: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”, “Ăn để sống, không phải sống để ăn”, “Ăn một miếng, tiếng cả đời”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”... và trong tục ngữ các dân tộc thiểu số cũng có: “Ăn nên đọi, nói nên lời” (dân tộc Mường, Việt); “Ăn đưa xuống, uống đưa lên” (dân tộc Việt, Mường), “Ăn ngay nói thẳng” (dân tộc Việt, Tày, Nùng), “Ăn trước mặt, nói trước mặt” (dân tộc Tày - Nùng); “Ăn khi đói, nói khi tỉnh” (dân tộc Mường); “Ăn phải nghĩ, thốt phải suy” (dân tộc Mường). Nói là ngôn ngữ, là cái vỏ của tư duy, cho nên đã nói thì phải suy nghĩ. Ở tục ngữ người Việt và tục ngữ các dân tộc thiểu số, nói thường đi đôi với nghĩ, biểu hiện so sánh, ví von rất cụ thể: “Chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói” (dân tộc Việt); “Chó ba khoanh mới nằm, người nghĩ ba điều mới nói” (dân tộc Mường); “Gà vỗ cánh ba lần mới gáy, người nghĩ ba lần mới nói” (dân tộc Giáy)... Con người có cái lưỡi để nói; điều hay, điều dở đều từ cái lưỡi mà ra. Ngụ ngôn Êdốp đã có chuyện “Uốn lưỡi bảy lần hãy nói” như một tục ngữ Pháp đã đúc kết. Trong tục ngữ Việt Nam, dân tộc Việt, các dân tộc thiểu số anh em cũng rất “cảnh giác” với cái lưỡi: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” (dân tộc Việt); “Lời nói ở đầu lưỡi, lật bên nào cũng được” (dân tộc Giáy); “Lời nói ở đầu lưỡi, đắng, ngọt ở đấy cả” (dân tộc Thái)...



Trên đây là một số nét chủ yếu về con người Việt Nam trong rèn luyện tu dưỡng cá nhân được phản ánh trong tục ngữ của các dân tộc ở nước ta. Còn có thể kể thêm nhiều đức tính khác của người Việt Nam như khoan dung, độ lượng, khiêm tốn, nhẫn nại... cũng thường được biểu hiện trong quan hệ gia đình, quan hệ xã hội của các dân tộc ở Việt Nam.


2.2. So sánh nội dung tục ngữ người Việt với các dân tộc thiểu số ở phía bắc trong quan hệ gia đình

Quan hệ gia đình bắt nguồn từ huyết thống, dòng họ “Chim có tổ, người có tông” (dân tộc Việt), “Cây có cội, nước có nguồn” (dân tộc Việt, Dao), “Người có họ, cọ có bụi” (dân tộc Thái)... Phong tục Việt Nam rất coi trọng gia đình, bắt đầu từ tình cảm cha mẹ đối với con cái. Tuy bị ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến quý con trai hơn con gái nhưng hình như trong tục ngữ người Việt, vấn đề này đã được giải quyết bình đẳng: “Có tẻ mừng tẻ, có nếp mừng nếp” và hợp đạo lí Việt Nam: “Trai mà chi, gái mà chi, sinh ra có nghĩa có nghì là hơn”, còn trong tục ngữ các dân tộc thiểu số chưa thấy có nội dung đó. Họ chỉ thấy có con thì vui cửa vui nhà. Người Việt cũng như các dân tộc thiểu số phía bắc, qua tục ngữ, đều quý trọng và chăm lo giáo dục con cái từ tuổi bé thơ: “Dạy con từ thuở còn thơ” (dân tộc Việt, Thái, Tày), “Cây bé uốn thẳng, cây cao uốn gãy” (dân tộc Tày)... Tình mẫu tử với đức hi sinh của người mẹ được thể hiện trong tục ngữ các dân tộc: “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con” (dân tộc Việt); “Chỗ ướt mẹ sửa san lại, chỗ khô để phần con nằm” (dân tộc Tày); “Chỗ ướt mẹ thế vào, chỗ khô để phần con” (dân tộc Thái). Vị trí của người cha trong gia đình được coi là chỗ dựa, trụ cột: “Con có cha như nhà có nóc” (dân tộc Việt); “Có cha có mẹ như nhà có rường, không cha không mẹ như giường gãy chân” (dân tộc Mường); “Con có cha mẹ, nhà có nóc rường” (dân tộc Tày); “Con không cha mẹ như ong không tổ” (lưu ý tục ngữ các dân tộc thiểu số đều nói chỗ dựa của cha lẫn mẹ đối với con cái, có khác với dân tộc Việt). Về đạo làm con đối với cha mẹ, trước hết là biết ơn cha mẹ đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình lúc trẻ, vì thế, khi cha mẹ già, con cái phải là chỗ dựa của cha mẹ. Những điều này tưởng rằng quá bình thường, có tính chất bổn phận của con cái, thế mà vẫn có những trường hợp phải phê phán, nhắc nhở về những thái độ, hành vi không tốt của con cái. Nếu lẽ phải là: “Có cha mới có con, có khung mới có cửi” (dân tộc Thái), “Trẻ cậy cha, già cậy con” (dân tộc Việt), “Trẻ con dựa bố mẹ, già cả nương con cái” (dân tộc Dao) thì việc trái phải phê phán là: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” (dân tộc Việt), hay: “Cha mẹ nuôi con mọc răng, con không thể nuôi cha mẹ răng rụng” (dân tộc Dao)... Trong quan hệ anh chị em, giá trị được xác định trong tục ngữ người Việt và các dân tộc thiểu số là tình thương yêu, là sự hoà thuận: “Anh em như chân với tay”, “Anh em bát máu xẻ đôi” (dân tộc Việt) và “Chị ngã em nâng” (dân tộc Việt, Mường), “Anh em liền khúc ruột” (dân tộc Mường), “Máu chảy ruột trơn” (dân tộc Thái), “Anh em chém nhau đằng sống, không chém nhau đằng lưỡi” (dân tộc Việt, Mường)... Trong quan hệ vợ chồng, điểm nổi bật là tục ngữ các dân tộc đều thống nhất ca ngợi sự chung sống hoà thuận để bảo đảm hạnh phúc cho gia đình, cho bản thân và con cái: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” (dân tộc Việt); “Thuận vợ thuận chồng tát ao sâu cũng cạn” (dân tộc Dao, Tày); “Vợ chồng ăn ý nhau, tát nước biển Đông có ngày cạn” (dân tộc Tày); “Vợ chồng yêu nhau chém núi đèo cũng lở/Vợ chồng không yêu nhau chém dây leo không đứt” (dân tộc Thái)... Trong tục ngữ người Việt, ở phía bắc có câu: “Thuyền theo lái, gái theo chồng” nhưng ở phía nam lại có câu: “Nước theo sông, chồng theo vợ” kể ra câu nào cũng có lí nhưng nếu kết hợp được với nhau thì sẽ tốt hơn để thể hiện quyền bình đẳng của vợ chồng trong mọi công việc. Ở đây, trong tục ngữ dân tộc Tày từng có sự bình đẳng đó: “Vợ theo chồng, chồng theo vợ”. Quan niệm đó đáng được giao lưu và cùng thực hiện trong tất cả các dân tộc ở nước ta. Trong đời sống giữa vợ và chồng cũng không ít lúc bất hoà. Tục ngữ các dân tộc cũng đã đúc kết và định hướng giải quyết. Có khi đó là quy luật “bù trừ” thường gặp: “Thế gian được vợ mất chồng” (dân tộc Việt, Mường) để cùng nhận thức, ăn ở thuận hoà với nhau. Cũng có khi nên xem việc bất đồng giữa vợ chồng là chuyện bình thường như “Bát trong sóng còn có khi xô” (dân tộc Việt), hay: “Chục cái bát bỏ vào nồi còn có tiếng kêu, vợ chồng nói chuyện có lúc xô xát” (dân tộc Tày). Trong quan hệ gia đình còn có nhiều mối liên hệ khác như trách nhiệm người chồng là chủ gia đình phải lo cho vợ con, không được rượu chè, cờ bạc, hút xách (tục ngữ các dân tộc đều nói đến tệ nạn say rượu, nghiện thuốc phiện... ), không để tình trạng “Bán vợ đợ con” (dân tộc Việt), “Mất vợ đợ con” (dân tộc Thái) xảy ra, hoặc tình trạng “mẹ chồng nàng dâu” mà tục ngữ các dân tộc Việt cũng như thiểu số có nói đến như một “cố tật”, một thành kiến khó xoá bỏ trong xã hội cũ mà ngày nay vẫn còn những rơi rớt: “Thật thà cũng thể lái trâu/Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” (dân tộc Việt); “Mẹ chồng thương con dâu như người ăn dâu da uống nước lã/Con dâu thương mẹ chồng như quạ thấy quả lòm đom” (dân tộc Mường); “Than hồng với nước lã, mẹ chồng với nàng dâu” (dân tộc Thái)...


Trong quan hệ gia đình cũng có giao tiếp, ứng xử, con cháu phải kính trọng cha mẹ, ông bà, lễ phép trong chào hỏi “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa về trình” (dân tộc Việt), anh chị em phải biết nhường nhịn nhau “Làm anh làm ả thì ngả mặt lên” (dân tộc Tày, Nùng), “Làm em thì lành, làm anh thì mẽ” (dân tộc Việt, Mường), ông bà thương yêu con cháu “nước mắt chảy xuôi” (dân tộc Việt, Mường)... Tổng quát lại, quan hệ gia đình vẫn là: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” (dân tộc Việt), “Máu loãng còn hơn nước đặc” (dân tộc Mường), “Anh em cùng giọt máu, mặn nồng hơn nước ao” (dân tộc Dao). Điều quý nhất trong đối xử với nhau trong gia đình mà các dân tộc ở nước ta đều nói đến, Nho giáo, Phật giáo cũng khuyên răn, đó là chữ “nhẫn”, “Một sự nhịn là chín sự lành” (dân tộc Việt, Mường)...


2.3. So sánh tục ngữ người Việt với tục ngữ một số dân tộc thiểu số ở phía Bắc trong quan hệ xã hội

Ngoài điểm chung là lòng yêu nước, bảo vệ xây dựng tổ quốc “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” (dân tộc Việt), “Giặc đến bản, cùng nhau đánh” (dân tộc Thái)... tục ngữ người Việt cũng như các dân tộc thiểu số nói nhiều đến tinh thần cộng đồng dân tộc, đoàn kết thương yêu được đúc rút từ thực tiễn chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống xâm lược trong quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phải “chung lưng đấu cật” (dân tộc Việt, Mường), phải hi sinh chiến đấu “Chết một đống hơn sống một người” (dân tộc Mường). Tính thống nhất của nội dung biểu đạt bằng tính đa dạng, linh hoạt trong ngôn ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” (dân tộc Việt); “Một cây làm chẳng nên non” (dân tộc Tày, Nùng); “Vỗ tay cần nhiều ngón, bàn việc cần nhiều người” (dân tộc Thái); “Một tay vỗ không kêu, ba tay vỗ vang rừng” (dân tộc H'Mông)... Đó là hợp lực tạo nên sức mạnh, hoà trong hợp lực là tình cảm của con người bất cứ thuộc dân tộc nào: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” (dân tộc Việt); “Một con ngựa không ăn cỏ, bốn, năm con ngựa nhịn theo” (dân tộc Tày); “Một con ngựa không ăn cỏ, cả đàn bỏ theo” (dân tộc Giáy); “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” (dân tộc Tày, Nùng)...


Đoàn kết thương yêu tạo nên sự đồng lòng để mưu cầu lợi ích của cộng đồng từng dân tộc, nền tảng tạo nên lợi ích chung của cả dân tộc Việt Nam. Các dân tộc ở Việt Nam từ lâu đời đã nêu cao tinh thần hoà hợp, điều mà ngày nay Đảng ta đã tổng kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn có một nhận xét riêng đối với dân tộc Dao: “Trong quan hệ xã hội... người Dao luôn luôn trọng chữ “hoà”, “hoà đồng”, “hoà hợp”. Vì vậy, trong tục ngữ Dao xuất hiện khá nhiều câu đề cao sự hoà đồng, thích nghi, lấy nhu trị cương như “Cứng thì gãy”, “Nước lạnh thổi không thành nước nóng, nước nóng thổi thành nước lạnh”, “Dây to buộc thì cởi dễ, dây nhỏ buộc thì cởi khó” [14, tr.17]. Có thể nói, tinh thần hoà hợp trong quan hệ xã hội của người Dao là đại diện cho tinh thần hoà hợp của tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam ta – tinh thần đó tạo nên sự khoan dung, nhân ái mà trong nhiều tục ngữ đã đúc kết: “Đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại” (dân tộc Việt, Dao, Thái), “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn” (dân tộc Việt), “Ngón tay không bằng nhau” (dân tộc Dao, Tày), “Ngón tay có ngón ngắn ngón dài” (dân tộc H'Mông). Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo tinh thần câu tục ngữ này để nói lên lòng khoan dung của dân tộc Việt Nam ta: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều hợp nhau lại nơi bàn tay” để kêu gọi đồng bào tha thứ cho những người lầm đường lạc lối hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ. Tinh thần hoà hợp, lòng khoan dung tạo cho cả dân tộc Việt Nam ta thích nghi với “thêm bạn, bớt thù”, “nhiều người yêu hơn kẻ ghét” và ngày nay “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” [8, tr.67].


Tinh thần đoàn kết hoà hợp của cả dân tộc Việt bám sâu rễ bền gốc trong các làng bản thôn xóm. Các dân tộc ở Việt Nam tuy coi trọng gia đình nhưng không vì thế mà xem nhẹ tình cảm cộng đồng. Câu tục ngữ người Việt: “Anh em xa không bằng láng giềng gần” rất gần với nhiều tục ngữ của các dân tộc thiểu số: “Anh em xa không bằng ba nhà chung rộc” (dân tộc Mường), “Anh em xa không bằng chung cầu thang, rãnh nước, sớm chiều có trước có sau” (dân tộc Mường), “Mười anh chị em ở xa không bằng láng giềng hai cầu thang sân nhà châu vào nhau” (dân tộc Tày) “Anh em ở xa không bằng anh em đầu thang sớm tối” (dân tộc Giáy)... Cũng từ đó mà quan hệ giao tiếp với nhau rất thân thiết, gặp nhau thì “Tay bắt mặt mừng” (dân tộc Việt), tin tưởng nhau “Chọn mặt gửi vàng” (dân tộc Việt, Mường), sống chân tình “Mất lòng trước, được lòng sau” (dân tộc Việt, Mường, Thái), “Quý nhau thì nói thẳng, chớ có để trong lòng” (dân tộc Thái), “Có đi có lại mới xoắn vào nhau” (dân tộc Tày - Nùng). Ở mức độ cao hơn, đó là tinh thần hợp tác giúp nhau trong sinh sống làm ăn “Đi có bạn, ở có phường” (dân tộc Thái), “Buôn có bạn, bán có phường” (dân tộc Việt), “Cho không nén vàng chẳng thà dạy đàng làm ăn” (dân tộc Mường).


Trong giao tiếp, ứng xử, người Việt, người dân tộc thiểu số đều chọn nếp sống chan hoà, nhân ái như lời nói “cho vừa lòng nhau”, “Lời nói đẹp không phải mua” (dân tộc Thái), “Lời nói ngọt như mía mật” (dân tộc Thái), đến cách xử sự “Việc bé đừng xé to” (dân tộc Thái), “Nhỏ đừng chấp, vụn đừng nhặt” (dân tộc Thái)...


Cái tốt trong giao tiếp, nếp sống được đúc kết trong tục ngữ, ngược lại, cái xấu cũng bị lên án. Tục ngữ dân tộc Việt cũng như các dân tộc thiểu số ở phía bắc phê phán thói hư tật xấu để hướng tới điều thiện của con người. Đó có thể là “lòng tham không đáy” (dân tộc Việt), “Trả bằng chiêng thấy không đủ, trả bằng ché thấy không đủ, trả bằng gùi thấy không đầy” (dân tộc Mường) và được cảnh báo “Tham thì thâm” (dân tộc Việt), “Chim chết vì tiếng hót, người chết vì miếng ăn” (dân tộc Mường), “Cá thèm ăn thì chết” (dân tộc Dao). Đó có thể là lòng nham hiểm “Sông sâu vẫn đo được đáy, lòng người không đo được” (dân tộc Thái), “Nước sâu thì thấy, lòng người sâu không thấy” (dân tộc Dao, Tày), “Nhím gai cắm ngoài da, người gai cắm trong bụng” (dân tộc Thái). Đó có thể là tính ích kỉ, bon chen, “Lá mặt lá trái”, “Ba que xỏ lá”, “Lừa thầy phản bạn”, “Thừa gió bẻ măng”... có nhiều trong tục ngữ người Việt và cũng đều có trong tục ngữ của các dân tộc.


Trong quan hệ xã hội có quan hệ kinh tế, từ đó có quan hệ giai cấp. Tục ngữ người Việt cũng như của các dân tộc vẫn còn để lại nhiều câu về sự áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến tạo nên sự đối lập giàu nghèo, sang hèn “ruộng cả ao liền”, “ngồi mát ăn bát vàng” (dân tộc Việt), “không mảnh đất cắm dùi” (dân tộc Việt, Tày, Nùng), “vào nhà quăng gậy không vướng vật gì” (dân tộc Giáy), “Muốn nói oan làm quan mà nói” (dân tộc Việt), “Muốn nói gian làm quan được nói” (dân tộc Tày), “Con dân cầm đèn, con quan cưỡi ngựa” (dân tộc Thái). Các dân tộc không chỉ có ý thức tố cáo, phản kháng sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị mà họ còn nhận thức được vị trí to lớn của mình. Nếu trong tục ngữ người Việt có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại” thì trong tục ngữ dân tộc H'Mông có câu “Mười đời quan một đời dân” và trong tục ngữ dân tộc Thái có câu “Mặc áo thành quan, cởi áo thành dân”... Trong quan hệ kinh tế, tục ngữ các dân tộc cũng có nói đến hai mặt của đồng tiền. Đó là chức năng trong lưu thông, trao đổi hàng hoá, “Đồng tiền trong nhà đồng tiền chửa, đồng tiền ra ngoài đồng tiền đẻ” (dân tộc Việt), “Đồng tiền bước trước coi như đã đi được nửa đường xa” (dân tộc Tày). Sức mạnh của đồng tiền trong tục ngữ dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số nói chung bị lên án hơn là được ca ngợi, nó thường gắn chặt với các quan hệ gia đình, nhất là quan hệ xã hội: “Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, đồng tiền đi sau đồng tiền dại”, “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, “Có tiền mua tiên cũng được” (dân tộc Việt), “Khôn ông gạo, bạo ông tiền”, “Có bạc có tiền lấy con quan cũng dễ” (dân tộc Tày-Nùng); “Giàu có thì tìm đến, nghèo khó quay lưng đi” (dân tộc Giáy); “Giàu dù ở núi cũng có khách, nghèo dù ở chợ cũng không ai màng” (dân tộc Tày – Nùng)...


Nhìn chung, về mối liên hệ so sánh giữa tục ngữ người Việt với tục ngữ các dân tộc thiểu số trong quan hệ xã hội, có thể kết luận:


1. Sự thống nhất về nội dung của tục ngữ người Việt so sánh với nội dung của tục ngữ các dân tộc thiểu số phía bắc nước ta rất rõ, đặc biệt trong nội dung về bản chất lao động cần cù; về đạo đức hướng thiện; về giao tiếp, nếp sống, dựa trên tinh thần đoàn kết, hoà đồng giữa các dân tộc.

2. Trong các nội dung về nhân cách và rèn luyện nhân cách, tục ngữ dân tộc Việt cũng như các dân tộc thiểu số anh em nổi lên tinh thần hiếu học, với những quan điểm về học tập mọi nơi, mọi lúc, việc gì cũng cần phải học, học suốt đời, học đến lúc chết, trên hai mặt cơ bản là trí (học “khôn”) và đức (học “nết”) để lao động và sống trong quan hệ với bản thân, gia đình và xã hội.

3. Cũng như các tục ngữ của người Việt và các dân tộc thiểu số trong quan hệ với thiên nhiên, câu tục ngữ về quan hệ xã hội “đại đồng” về nội dung nhưng “tiểu biệt” về cách thể hiện. Cách thể hiện của tục ngữ người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số thường gắn với hoàn cảnh sinh sống, tập quán riêng lẻ của từng dân tộc, thể hiện qua ngôn ngữ của từng dân tộc.


(còn nữa)

ng thi thanh huyen

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 09/11/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết