NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


Cách chào hỏi của người Việt

Go down

Cách chào hỏi của người Việt Empty Cách chào hỏi của người Việt

Bài gửi by hoangngoc 01/12/09, 10:44 pm

LỜI CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT
Th.S Nguyễn Thị Hồng Ngân (K.Văn- ĐHSPHN)




I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp ưu việt và quan trọng nhất của loài người. Nhờ ngôn ngữ, mỗi cá nhân có thể trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ, thực hiện hành động…đối với mọi người xung quanh. Song, trước khi giao tiếp thực sự, bằng cách nào đó chúng ta phải nhập thân vào cuộc giao tiếp, phải thu hút sự chú ý của người đối thoại, phải xưng hô với người đó… Nghi thức lời nói bao gồm chào hỏi, làm quen, chia tay, chúc mừng, cảm ơn, xin lỗi, an ủi, yêu cầu, mời mọc (12)…có chức năng “thiết lập quan hệ tiếp xúc” giữa những người tham gia giao tiếp. Chức năng này được thể hiện rõ rệt nhất trong nghi thức chào.

Có thể khẳng định rằng, lời chào là một nghi thức xã giao đầu tiên, là phép lịch sự tối thiểu của mỗi cá nhân khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Ở Việt Nam, nét đẹp văn hoá của lời chào được ông cha ta đúc kết thành những bài học quí báu trong kho tàng tục ngữ, ca dao: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Dao năng liếc năng sắc, người năng chào, năng quen”, “Gặp nhau che nón không chào. Cứ lặng thinh như rứa biết ngày nào quen nhau”… Rõ ràng, với người Việt, lời chào không chỉ là nghi thức giao tiếp đơn thuần mà còn là thước đo trình độ ứng xử của mỗi cá nhân. Chào hỏi - một nét đẹp của lối sống thiên về cộng đồng đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hoá Việt.


II. CÁC KIỂU CHÀO CỦA NGƯỜI VIỆT



Hiểu một cách đơn giản: “ Chào có nghĩa là nói ra hoặc ra hiệu bằng các cử chỉ, tỏ lòng kính trọng, thái độ thân thiết” (2).

Austin- người sáng lập ra lí thuyết hành vi ngôn ngữ (speech act) đã xếp lời chào thuộc lớp ứng xử (behavitive)-. Đó là hành vi tại lờigồm những “ứng xử xã hội” như cảm ơn, xin lỗi, chúc mừng, ca ngợi, chê trách, nguyền rủa…Đây là “những hành vi phản ứng lại những cách xử sự của người khác, những hành vi đáp ứng những sự kiện hữu quan có liên quan tới thân phận và thái độ của người khác” (3).

Có nhiều cách thực hiện lời chào và đồng thời với nó là nhiều dấu hiệu (IFIDs: illocutionary force indicating devices) để nhận diện hành động chào. Các động từ ngữ vi (performative verbs) được coi là một IFID tiêu biểu .Đó là “những động từ mà khi phát âm chúng ra là người nói thực hiện luôn cái hành vi ở lời do chúng biểu thị”(4).

Dựa vào sự có mặt hay không có mặt động từ ngữ vi trong hành vi ngôn ngữ, lời chào thường được chia thành hai loại: lời chào tường minh còn gọi là lời chào trực tiếp và lời chào hàm ẩn hoặc lời chào gián tiếp.



1.Lời chào trực tiếp

Lời chào tường minh là lời chào có chứa động từ ngữ vi “chào”,”kính chào”, “chào mừng”...trong biểu thức chào. Hiệu lực tại lời ở đây do động từchào biểu thị.Tiến sĩ Pham Thị Thành xếp đây là các lời chào mang tính nghi thức “có tính khuôn mẫu, dùng để mở đầu hay kết thúc cuộc gặp gỡ…nhằm thể hiện thái độ lịch sự, khiêm tốn,nhã nhặn của các vai giao tiếp.”(5)

Có thể kể ra ở đây các công thức chào trực tiếp như sau:

- Chào ĐTGT.

- Chào ĐTGT ạ!

- CTGT chào ĐTGT!

- CTGT chào ĐTGT ạ!

- Xin chào ĐTGT!

-

Thông thường, lời chào trực tiếp có chứa các động từ ngữ vi tường minh “chào”,”kính chào”…Khi chúng ta nói các động từ này đồng thời chúng ta đã thực hiện luôn hành động chào. Lời chào tường minh thường do CTGT chủ động thực hiện ngay tại thời điểm chào. Về cấu tạo: ngoài động từ ngữ vi, cụm động từ ngữ vi… lời chào tường minh thường có các bổ ngữ trực tiếp chỉ đối tượng đi kèm. Các bổ ngữ trực tiếp này thường do đại từ nhân xưng đảm nhận. Theo quan sát của chúng tôi, tuỳ thuộc vào mối quan hệ liên cá nhân ( quan hệ thân –sơ hay quan hệ vị thế) giữa những người tham gia giao tiếp mà các đại từ nhân xưng có sự phân ngôi rất rõ ràng.

Ví dụ: Cháu chào ạ!

Em chào thầy.

Lời chào ở dạng đầy đủ như trên thường thấy ở người có vị thế giao tiếp thấp hơn đối với người có vị thế giao tiếp cao hơn. Trong khi đó, kiểu chào khuyết chủ thể hoặc khuyết tình thái từ như “ chào bác, chào cậu, chào chú” lại thường dành cho người có vị thế giao tiếp cao hơn chủ động chào ĐTGT có vị thế giao tiếp thấp hơn hoặc giữa họ có vai giao tiếp ngang nhau. Chính đặc điểm này đã làm nên nét cụ thể trong lời chào của người Việt: đối tượng cụ thể và hoàn cảnh cụ thể. So sánh: lời chào có thể khuyết SP1như: Chào bác!(+); Chào cô ! (+) nhưng ít khi vắng mặt Sp2: Tôi chào! (-) hoặc Cháu chào! (-)

Biểu thức chào khuyết đối tượng ( Chào! Xin chào! Chào nhé!) thường dành cho những người có vai giao tiếp ngang nhau và có mối quan hệ thân thiết. Kiểu chào đơn giản, ngắn gọn có vẻ như tiện lợi này có lẽ bị ảnh hưởng của lời chào phương Tây như Hello! Bonjour! Bonne nuit !,Goodmorning!; Good afternoon!Theo quan sát thực tế của chúng tôi, cùng với kiểu chào ngắn gọn này, lời chào bằng ngoại ngữ ( Hello! Hi!...) được nhiều người sử dụng nhất là giới trẻ. Ngược lại những kiểu chào cũ như: CTGT + lạy ĐTGT ạ!; Bẩm ĐTGT..cùng với thái độ khúm núm của người chào đang có xu hướng vắng bóng dần trong xã hội hiện nay kể cả đối với những người trọng lễ nghĩa nhất.

Một nét độc đáo trong lời chào của người Việt là CTGT có thể bộc lộ thái độ, tình cảm của mình đối với người được chào. Thêm tình thái từ “ạ!” vào biểu thức chàobạn có thể thể hiện sự kính trọng của mình đối với người có vị thế giao tiếp cao hơn. Cùng với những từ xưng hô thân tộc, các tình thái từ trong lời chào góp phần làm nên nét văn hoá đặc trưng của người Việt: “trọng tình, trọng nghĩa, các thành viên coi nhau như ngưòi một nhà”(7). Nó khác xa với lối chào chung, chào khuyết vai và trung hoà về sắc thái trong ngôn ngữ Ấn-Âu.

Biểu thức “ xin kính chào”, “kính chào”, “chào mừng”, “nhiệt liệt chào mừng”, xin gửi lời chào..”..thường dùng trong những cuộc giao tiếp mang tính nghi thức như hội nghị, hội họp… hoặc qua các phương tiện truyền thông.

2. Lời chào gián tiếp

Đây là những lời chào mà người phát ngôn sử dụng những hành vi ngôn ngữ khác nhau như: hỏi, khen, đề nghị, nhận xét, chúc, thông báo..nhưng tất cả đều hướng tới một hiệu lực ở lời chung là: chào. Nghiên cứu hành vi ngôn ngữ gián tiếp nói chung và lời chào gián tiếp nói riêng là một vấn đề phức tạp bởi “môi trường sống” của nó chính là đời sống giao tiếp thường nhật - nơi mà “chúng ta truyền báo thông tin nhiều hơn điều mình nói ra”(4). Muốn giải mã được những hành vi hàm ẩn, muốn lĩnh hội hết lượng thông tin hàm ẩn, chúng ta phải dựa vào nhiều yếu tố đặc biệt là phải đặt nó trong một môi trường văn hoá riêng của từng cộng đồng dân tộc. Chẳng hạn: Người Việt Nam thường có thói quen chào bằng cách hỏi - hỏi chính công việc mà đối tượng đang làm tại thời điểm đó:

- Cụ đang làm gì đấy ạ?

- Bác đi đâu đấy?

- Bác đi làm à?

- Bác đi chợ sớm thế?

- Bác ăn cơm chưa?

- ….

Ở đây, người hỏi mà không cần nghe câu trả lời của người được hỏi .Họ không hề muốn biết người được hỏi “đang làm gì “, “đi đâu”, hay “ăn cơm chưa”,’có phải đi làm hay không”… như đặc trưng của câu nghi vấn.Theo Saville- Troike đây chỉ là một “thủ tục chào hỏi mà về bản chất không có ý nghĩa gì ngoài chức năng đánh tiếng trong giao tiếp”(Cool. Bởi thế, để đáp lại cho câu chào này có thể là một cử chỉ ( gật đầu, mỉm cười..), một lời đáp bâng quơ hoặc đôi khi là một lời hỏi lại:

- Bác đi đâu đấy mà sớm thế?

- Ừ, thế cháu đi làm à?

Ẩn sau lời chào “vòng vo” ấy chính là một lối sống mang tính cộng đồng của người Việt- nơi mà mọi thành viên thường hỏi han để bộc lộ sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng cũng hành vi ngôn ngữ ấy ta đặt trong môi trường văn hoá khác thì kết quả lại khác. Xin trích dẫn lại một câu chuyện để nhìn rõ hơn điểm khác biệt này.

“Có một nhà khoa học người Hà Lan đến sống ở làng quê Việt Nam nhiều tháng để nghiên cứu về nông thôn. Bà con nông dân ở đây gặp bác đã chào:

- Bác John đi đâu đấy?

Và bác Jonh đã trả lời là : “Đi thẳng” để đáp lại câu chào của người Việt.( Theo Đặng Thị Vân Chi -7)

Xét rộng hơn, ta đặt những phát ngôn đó trong nền văn hoá phương Tây- một nền văn hoá thiên về “lịch sự âm tính thì đó không phải là những lời chào để gắn kết mối quan hệ nữa mà lại trở thành hành vi xâm phạm tự do cá nhân. “Sự quan tâm”- (concern) là một giá trị tích cực trong văn hoá Việt thể hiện qua lời chào- hỏi không được giải mã trong nền văn hoá mà “tính riêng tư”( privacy) được đề cao (Cool.Chào nhau người phương Tây thường sử dụng câu hỏi rất chung chung mang tính chất xã giao: Good morning! How are you?; Where are you going?…

Nếu như lời chào trực tiếp của người Việt chỉ tập trung ở một số biểu thức trên và thường được dùng theo nghi thức, có tính chất xã giao thì lời chào gián tiếp của người Việt biểu hiện phong phú hơn, đa dạng hơn, tần số sử dụng nhiều hơn và thể hiện rõ nét hơn đặc trưng văn hoá dân tộc.

2.1.Chào bằng hỏi

Với người Việt khi thân quen rồi thì hỏi mới là cách biểu thị sự quan tâm, làm tăng thêm mối quan hệ thân tình, gần gũi. Phạm vi hỏi rất cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết : từ tình hình gia đình, công việc đến sức khoẻ.. tuỳ theo mức độ thân tình giữa các cá nhân với nhau.

Hỏi thăm sức khoẻ:

- Thế nào? khoẻ chứ?

- Khoẻ không?

- Dạo này, bác vẫn khoẻ chứ ạ?

Hỏi thăm gia đình:

- Mọi người vẫn ổn cả chứ?…

Hỏi thăm công việc:

- Dạo này công việc thế nào?

- Thế nào, công việc vẫn tốt chứ?

- Tình hình công việc có gì mới không?…

Hỏi thăm về quê quán (trong những cuộc giao tiếp lần đầu gặp mặt)

- Quê bạn ở đâu?

- Có phải bạn ở Nam Định không?…

Hỏi về hoạt động đang diễn ra của người cùng giao tiếp:

- Bác đi chợ à?

- Chị đi làm à?

- Đưa con đi lớp à?



2.2. Chào bằng lời hô gọi

-Ôi! Chị!

-Kìa! Anh Minh!

-A! Mẹ!

-A! Mẹ đã về! Mẹ đã về!

-Trời ơi! Anh!

Các lời chào này thường thể hiện thái độ vui mừng, sung sướng hay ngạc nhiên tức thời của người phát ngôn khi người cùng giao tiếp bất ngờ xuất hiện. Bên cạnh hành vi ngôn ngữ reo gọi, CTGT thường kèm thêm các cử chỉ. điệu bộ như ánh mắt, vẫy tay, vỗ tay …nhằm làm tăng thêm hiệu quả giao tiếp.Về cấu tạo: Biểu thức này thường chứa đối tượng gọi kèm với các tình thái từ để bộc lộ cảm xúc như : Kìa!, Trời! Này!, Trời ơi!, A!, Ôi!…

Ngữ điệu - một phương tiện quan trọng có chức năng biểu thị thái độ, tình cảm của người nói được coi là một đặc trưng cơ bản của kiểu phát ngôn này.

2.3. Chào bằng lời chúc

- Chúc mừng ông!

- Chúc mừng nhé!

- Xin chúc mừng chị!

Để dùng được kiểu chào gián tiếp bằng cách chúc mừng này thì giữa hai bên giao tiếp phải có chung tiền giả định : CTGT biết một sự kiện gì đó mà đã thành công của ĐTGT, để khi CTGT nói “ chúc mừng” thì ĐTGT sẽ biết là SP1 nhắc tới sự kiện nào. Đây là kiểu chào giữa những người thân quen, thường xuyên có mối liên hệ với nhau hoặc chí ít cũng quan tâm đến tình hình của nhau một cách gián tiếp. Nếu ít quan tâm đến nhau hoặc lâu lâu không nghe thông tin gì về nhau thì không thể chào theo kiểu này.

Kiểu chào- chúc cũng rất phổ biến trong một số ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp…. Có điều, lời chào chúc của ngươì Anh hay người Pháp thường phân biệt theo thời gian: sáng; trưa; tối; đêm… kèm vời tình từ “good”, “ bon”, “bone” để chúc sự tốt lành. Ví dụ: Bonjour!, bonsoir!; Goodmorning!; Good afternoon!…

2.4. Chào bằng lời mời

- Mời bác vào xơi cơm ạ!

- Mời bác vào chơi!...

Các phát ngôn trên chứa động từ ngữ vi “mời” hoặc là hành vi ngôn ngữ có nội dung mời. Với ngưòi Việt, đây là lời mời xã giao thay cho lời chào.Thường thì người Việt thường mời “xơi nước” khi khách đến chơi. Và nếu vô tình gặp bữa thì chủ nhà mời xơi cơm. Việc lí giải vì sao người Việt thường chào khách bằng cách mời cùng xơi cơm là một công việc khá thú vị, đòi hỏi một phương pháp tiếp cận liên ngành.Trong phạm vi nghiên cứu này chúng ta hiểu rằng đây là một hành vi đẹp nhằm bày tỏ lòng hiếu khách, bày tỏ một thái độ thân tình, cởi mở .Chính vì thế, chủ thể và đối tượng không có ý định thực hiện hành động theo lời mời. Đáp lại lời chào mời của chủ nhà là lời từ chối kèm lời cảm ơn: Vâng, cảm ơn bác; Vâng, mọi người cứ tự nhiên!: Vâng, cảm ơn bác, tôi ăn rồi.…

2.5. Chào bằng lời khen, lời nhận xét.

- Ai mà diện thế nhỉ?

- Đẹp đôi ghê!

- Xe mới à? Sành điệu thế?



Thông thường, khen là một hành vi ngôn ngữ quen thuộc tồn tại trong mọi cộng đồng dân tộc, mọi nền văn hoá khác nhau. Theo TS Nguyễn Quang, hành vi mang tính tích cực này được “sử dụng với nhiều mục đích như bắt đầu một câu chuyện, tranh thủ tình cảm, biểu thị sự quan tâm, tỏ lòng ngưỡng mộ…”.(Cool Với người Việt, hành vi khen thường dùng để khen nhưng cũng có thể dùng để chào. Điểm tương đồng của hai hành vi này đều nhằm thể hiện sự quan tâm đối với đối tượng giao tiếp. Trong trường hợp trên, ta có thể thấy người Việt khen hay tiếp nhận lời khen thay như một câu chào. Vì thế, khi đáp lại “lời khen” ấy ta ít bắt gặp những câu trả lời mang tính khách sáo như: Cảm ơn anh (chị) đã có lời khen ; Có đẹp thật không? Cũng bình thường thôi; Khen tớ có mà khen cả ngày...hay Làm sao sành điệu bằng được xe của cậu…mà thường là câu hỏi với mục đích chào đáp lại như: Đi đâu? Đi làm à? …hoặc là các cử chỉ phi ngôn ngữ. Chào bằng lời khen thường tạo cho người giao tiếp cảm giác hài lòng, có tác dụng tích cực trong việc duy trì mối quan hệ tình cảm.

3. Vài nhận xét về lời chào của người Việt hiện nay

Theo quan sát của chúng tôi, về cơ bản người Việt sử dụng mọi kiểu chào trên đây để bày tỏ thiện chí, bày tỏ sự tôn trọng, lịch sự đối với người quen mà mình gặp gỡ... Chào hỏi có nghĩa là khẳng định và củng cố thêm mối quan hệ vốn có của con người đồng thời có thể thiết lập các mối quan hệ mới. Như trên đã trình bày, để chào một ai đó người Việt có thể chào, có thể hỏi, có thể chúc, có thể khen…nhưng trên thực tế thì lời chào được biểu hiện rất đa dạng, rất linh hoạt và rất .. Việt Nam. Người Việt vẫn chào bằng cách hỏi nhưng các câu chào hỏi kiểu : Bác ăn cơm chưa? Chị làm gì đấy? Bà đi chợ à? ..hiện nay có xu hướng ít sử dụng hơn hoặc nếu có thì ta thường thấy ở nông thôn đặc biệt là ở những cụ già. Thay vào đó chúng ta nhất là những làm việc công sở có xu hướng hỏi về sức khoẻ, hỏi về tình hình công việc…. Kiểu chào này kết hợp với hành động bắt tay, vỗ vai thường được nam giới sử dụng nhiều hơn. Ví dụ: Chào ông! Ông vẫn khoẻ chứ? ; Xin chào! Thế tình hình có gì mới không ?; Chào em! Mọi việc (mọi người) vẫn ổn cả chứ?..Với nữ giới, lời chào có chút khác biệt: sau lời chào là hỏi hoặc chào bằng hành vi hỏi nhưng phạm vi hỏi của họ rộng hơn. Ngoài sức khoẻ, tình hình công việc… thì gia đình, con cái, về quần áo, đầu tóc…là đối tượng quan tâm của họ.Tuỳ theo mối quan hệ thân sơ và tuỳ theo mối quan hệ vị thế của từng người mà lời chào hỏi của họ là chung chung, là xã giao hay cụ thể, chi tiết.

Đối với những người già, mối quan tâm hàng đầu của họ là sức khoẻ, thứ đến là gia đình nên ngoài những câu chào trực tiếp nếu hỏi, họ ít hỏi: tình hình thế nào; có gì mới không? như lúc còn đang đi làm.Các câu chào - hỏi của họ thường là: Bác vẫn khoẻ chứ? Sức khoẻ của bác vẫn ổn chứ? …Ngược lại giới trẻ ít chào bằng hỏi, bằng chúc, bằng mời… đối với mọi đối tượng. Với người có vị thế giao tiếp cao hơn , các em thường dùng biểu thức chào trực tiếp kèm từ “ạ” để tỏ thái độ kính trọng. Đối với bạn bè, các em có kiểu chào riêng. Đây là mối quan hệ bình đẳng, không nằm trong vòng cương toả của tôn ti, vị thế nên các em thường dùng các kiểu chào thoải mái, ít tuân theo nghi thức như bằng các cử chỉ phi ngôn ngữ: giơ tay, vẫy tay, nháy mắt…hoặc dùng các biểu thức chào khuyết thiếu, hoặc chào bằng các câu chào của tiếng nước ngoài…



III. KẾT LUẬN

Trên đây chúng tôi đã trình bày sơ lược một vài mẫu lời chào tường minh và hàm ẩn khi gặp mặt nhau của người Việt ở góc độ giao tiếp. Một điều dễ dàng nhận thấy là hành vi chào không chỉ phải tuân thủ những qui tắc ngôn ngữ mà còn được qui ước bởi những nguyên tắc giao tiếp ứng xử đặc trưng cho mỗi cộng đồng dân tộc. Sẽ hệ thống và đầy đủ hơn nếu chúng tôi đặt lời chào trong mối quan hệ với mục đích giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, đối tượng giao tiếp, kênh giao tiếp…và chi phối của phép lịch sự đối với lời chào trong hoạt động giao tiếp.Vì vậy, những khảo sát này sẽ được tiếp tục tiến hành ở các bước tiếp theo.

Chào là một trong các phương tiện nhằm thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội, là một trong các hành vi mang đậm vẻ đẹp văn hoá của một dân tộc. Chính vì thế, việc giữ gìn văn hoá chào trước thách thức của quá trình giao lưu, giao thoa và ảnh hưởng văn hoá vô cùng mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ không của riêng ai./.



Chú thích: CTGT: chủ thể giao tiếp // ĐTGT: đối thể giao tiếp
Tài liệu tham khảo



1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, tr277.

2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản giáo dục

3. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học ,Tập 1, NXB Giáo dục, H.1998.

4. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, tr97, NXB Giáo dục, H.2001.

5. Phạm Thị Thành, Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn: chào, cảm ơn, xin lỗi, Luận án PTS - Trường ĐHKHXH và NV, H.1995.

6. Phan Mậu Cảnh, Góp phần tìm hiểu vẻ đẹp văn hoá của Tiếng Việt qua lời chào”, Hội ngôn ngữ học Việt Nam,1993.

7. Đặng Thị Vân Chi, Bước đầu tìm hiểu về đặc trưng “văn hoá duy tình”qua ngôn ngữ giao tiếp của người Việt - Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài

8. Nguyễn Quang, Giao tiếp và giao tiếp giao văn hoá, tr192, NXB ĐHQGHN.

9. Tạ Thị Thanh Tâm, Nghi thức lời nói và một vài cách tiếp cận, Tạp chí Ngôn ngữ số 2- 2006.

10. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB KHXH, H.1999.

11. Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, NXB ĐHQGHN, H.2000.

12. N.Phơrơmanôpxcaia. Cách dùng nghi thức lời nói tiếng Nga, NXB Giáo dục, H.1987.

hoangngoc

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 13/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết