NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU


Join the forum, it's quick and easy

NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Affiliates
free forum


Một đề tài hay nữa để các bạn tham khảo

2 posters

Go down

Một đề tài hay nữa để các bạn tham khảo Empty Một đề tài hay nữa để các bạn tham khảo

Bài gửi by thanhnhan_ha 01/11/09, 10:13 pm

CÁC CẤP BẬC KHÁC NHAU CỦA HIỆN TƯỢNG

CHUYỂN LOẠI TRONG TIẾNG VIỆT

DIFFERENT LEVELS OF CONVERSION IN VIETNAMESE




Người viết: TRƯƠNG THỊ DIỄM


Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng






TÓM TẮT



Hiện tượng chuyển di từ loại là một hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ và đặc biệt là trong các ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Chuyển loại là một hiện tượng tích cực trong ngôn ngữ, là một biểu hiện của quá trình tự điều chỉnh hệ thống ngôn ngữ, là một trong các phương thức cấu tạo từ. Hiện tượng chuyển loại là một quá trình cần được xem xét trên quan điểm đồng đại động. Việc phân biệt chuyển loại với đồng âm và với đa nghĩa; việc chỉ ra các mức độ khác nhau của quá trình chuyển loại; phân biệt chuyển loại đã ổn định với kiêm nhiệm từ loại và với chuyển loại lâm thời là một việc làm cần thiết trong quá trình nghiên cứu từ loại tiếng Việt. Chúng tôi mong muốn góp một cái nhìn hệ thống, toàn diện về hiện tượng chuyển loại trong tiếng Việt qua bài viết này.
ABSTRACT



Conversion is popular in languages, especially in isolated languages. Conversion is a positive phenomenon in languages, which manifests the systematical autoregulations in languages. It is also one of the word-formation means. Conversion is the process that needs to be examined in a synchronic-activity view. Distinguishing conversion from homonymous and multivalued phenomenon, distinguishing stable conversion from temporary conversion and pointing out different levels in this process are very important in studying the Vietnamese parts of speech. This paper aims at presenting an overall view of conversion in the Vietnamese language.



Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. Số lượng vỏ âm thanh mà người Việt sử dụng làm vỏ ngữ âm cho hình vị tối đa chỉ có 4 vạn tiếng khác nhau [3, tr.46]. Vì thế, để khắc phục mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của số lượng cái biểu hiện (vỏ ngữ âm của từ) và cái vô hạn của cái được biểu hiện (hiện thực khách quan cần phản ánh), sự xuất hiện từ mới bằng phương thức dùng chất liệu sẵn có để tạo nên các từ phức như từ ghép, từ láy hay việc xuất hiện từ đa nghĩa, từ đồng âm trong ngôn ngữ ngày càng nhiều là một tất yếu. Chính sự phát triển của xã hội, nhận thức của con người và nhu cầu giao tiếp xã hội là động lực thúc đẩy ngôn ngữ phải biến đổi.

Sự có mặt của hiện tượng chuyển di từ loại trong ngôn ngữ cũng là vì lẽ trên. Đứng trên quan điểm đồng đại - động, chúng ta nhận thấy rằng tĩnh chỉ là tạm thời, tương đối. Vì thế, đường ranh giới của sự phân loại không phải bao giờ cũng dứt khoát, tuyệt đối, vô điều kiện, bởi vì “mọi ranh giới trong tự nhiên và trong xã hội đều di động và qui ước đến một mức nào đó” (Lênin). Bản chất của tín hiệu ngôn ngữ là vận động.

Xét một cách sâu xa, hiện tượng chuyển di từ loại là biểu hiện giữa mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, chuyển loại diễn ra là do sự thay đổi cách thức phản ánh của người Việt, chứ không phải là sự thay đổi đối tượng phản ánh. Đó là sự thay đổi cấu trúc sở biểu của từ. (1, tr.178)

Từ loại là lớp từ có cùng bản chất ngữ pháp được phân chia theo ý nghĩa phạm trù, theo khả năng kết hợp trong đoản ngữ (cụm từ), trong câu để thực hiện chức năng ngữ pháp giống nhau.

Các nhà Đông phương học Xô-viết đã khẳng định rằng việc chuyển di "các từ từ loại này sang từ loại khác mà không thay đổi vỏ âm thanh của chúng (tức là hiện tượng chuyển loại) là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của các ngôn ngữ này (ngôn ngữ đơn lập)” [dẫn theo Hà Quang Năng, 6, tr.144]. Loại của từ không phải là bất di bất dịch. Giữa các loại của từ có một bộ phận chuyển hoá lẫn nhau. Chuyển loại cũng là một phương thức cấu tạo từ.

Việc phân định từ loại tiếng Việt được dựa vào tập hợp ba tiêu chí: ý nghĩa khái quát của từ, khả năng kết hợp của từ và chức năng cú pháp chủ yếu của từ. Trong đó, các tiêu chí 1 và 2 có tác dụng nhiều hơn trong việc tập hợp và qui loại từ. Hay nói cách khác, các đặc trưng ngữ nghĩa - ngữ pháp của từ là căn cứ quan trọng để xác định tư cách từ loại của một từ cụ thể.

Khi khảo sát về từ loại tiếng Việt, chúng ta thường gặp hiện tượng: có những từ có thể được dùng với những đặc trưng ngữ nghĩa-ngữ pháp của từ loại này hay của từ loại khác.

Ví dụ 1: a. Anh ấy vác cuốc1 ra cuốc2 đám đất trước nhà để trồng khoai.

b. Công việc tiến hành rất thuận lợi1. Những thuận lợi2 ấy làm anh ta rất phấn khởi.

Sự tồn tại trong tiếng Việt nói riêng và trong các ngôn ngữ đơn lập nói chung một số lượng đáng kể các từ mang đặc trưng của các từ loại khác nhau đã được các nhà ngôn ngữ học quan tâm, lí giải và tranh luận từ rất lâu. Cho đến nay, ý kiến của các nhà ngôn ngữ học về vấn đề này vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Tựu trung có bốn khuynh hướng sau đây:

Khuynh hướng thứ nhất cho đây là hiện tượng “nhất từ đa loại”. Đại diện cho khuynh hướng này là H.Mát-xpê-rô, M.Grammont, Lê Quang Trinh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Lân, Trần Trọng Kim... Họ cho rằng trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt, từ có thể thuộc vào bất kỳ từ loại nào. Quan niệm này dẫn đến chỗ phủ nhận phạm trù từ loại trong các loại hình ngôn ngữ đơn lập, cho rằng “từ vô định loại”, một từ có thể đồng thời thuộc các từ loại khác nhau. Quan niệm này không được các nhà nghiên cứu đồng tình vì hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận sự có mặt của phạm trù từ loại trong tiếng Việt, chứng minh được khả năng phân định từ loại bằng những tiêu chuẩn khách quan. Đó là ba tiêu chuẩn: 1) ý nghĩa khái quát của các lớp từ, 2) khả năng kết hợp của từ, 3) chức vụ cú pháp của từ.

Khuynh hướng thứ hai, ngược lại, quan niệm từ loại của từ là một cái gì cố định tuyệt đối, không thay đổi, “nhất thành bất biến”, cho nên các từ “cuốc”, “thuận lợi” như ở ví dụ trên vẫn thuộc về một từ loại. Lê Biên đã phê phán rằng đây là “một cách nhìn siêu hình, không biện chứng về hoạt động của các lớp từ” [1, tr.178].

Cả hai quan niệm trên đều không hợp lý vì không hợp với quy luật nhận thức, quy luật hoạt động ngôn ngữ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy “cuốc1” và “cuốc2” ở ví dụ 1a, “thuận lợi1” và “thuận lợi2” ở ví dụ 1b không có cùng bản chất từ loại.

Chính vì thế, khuynh hướng thứ ba cho đây là hiện tượng chuyển loại. Sách Ngữ pháp tiếng Việt của Uỷ ban Khoa học xã hội cho rằng “chuyển loại” là “có những từ vốn thuộc từ loại này rồi sau chuyển sang từ loại khác và được dùng theo nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ loại này hay từ loại kia” [8, tr.92]. Tuy vậy, khuynh hướng này gặp rắc rối ở chỗ không phải khi nào cũng nhận rõ được quá trình lịch sử của sự chuyển loại từ một từ loại này sang một từ loại khác; có những trường hợp không thể xác định chắc chắn là từ đó vốn xuất phát từ từ loại nào.

Ví dụ 2: Anh ấy mượn cưa1 để cưa2 gỗ.

Khó có thể xác định là tên gọi đồ vật có trước hay tên gọi hành động sử dụng đồ vật có trước.

Để tránh xác định hướng chuyển, khuynh hướng thứ tư gọi đây là “hiện tượng kiêm nhiệm từ loại”. Nghĩa là trong những hoàn cảnh cụ thể, một từ thuộc từ loại này có thể lâm thời làm nhiệm vụ của một từ loại khác. Hay nói cách khác, một từ có thể được dùng ở những tư cách từ loại khác nhau.

Lý do để từ có thể thực hiện được việc kiêm nhiệm từ loại của mình trong những ngữ cảnh khác nhau là do có những đường dây ngữ nghĩa giữa một nghĩa chính của từ đó với các tư cách từ loại khác mà nó kiêm nhiệm trong những ngữ cảnh cụ thể. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ không thể thay tên gọi “hiện tượng kiêm nhiệm từ loại” cho tên gọi “hiện tượng chuyển di từ loại” - tức là không thể đặt dấu bằng giữa chúng.

Cần khẳng định lại rằng, hiện tượng chuyển loại là một tất yếu khách quan trong loại hình ngôn ngữ đơn lập nói chung và trong tiếng Việt nói riêng. Vấn đề là ở chỗ nên nhìn nhận sản phẩm của hiện tượng này như thế nào?

Một số tác giả cho đây là các từ đồng âm. Thế nhưng cách lý giải này thật khó chấp nhận. So với các từ đồng âm như: lợi (có lợi) với lợi (răng, lợi) hay chỉ (sợi chỉ) với chỉ (chỉ có 5.000 đồng) thì những từ được in đậm ở các ví dụ 1, 2 ở trên khác xa về bản chất. Những từ đồng âm như lợi, chỉ hoàn toàn không có mối liên hệ nào về ý nghĩa mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về ngữ âm. Trong khi những từ chuyển loại lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về ý nghĩa. Khi chủ trương đồng âm hoá, Nguyễn Tài Cẩn cũng nhận thấy đây không phải là một giải pháp toàn mỹ nhưng ông vẫn cho rằng chủ trương này “chỉ gây khó khăn chủ yếu cho địa vực từ vựng học, nhưng lại là một bảng phân loại hết sức đơn giản” [2, tr.74-75]. Một số tác giả do nhận thấy tính thiếu thuyết phục của cách gọi tên “đồng âm” nên đã gọi đây là đồng âm ngữ pháp học. Đại diện cho khuynh hướng này là Đinh Văn Đức, Lê Biên... Trong "Từ loại tiếng Việt hiện đại”, Lê Biên viết: “Chuyển loại không phải là hiện tượng đồng âm từ vựng mà là đồng âm - ngữ pháp (đồng âm cùng gốc)... Đây là những từ giống nhau về hình thức ngữ âm (đồng âm), cùng gốc (xét về nghĩa) mà hiện nay được sử dụng thành hai từ khác nhau về bản chất từ loại” [1, tr.179].

Hồ Lê đã khẳng định: “Sự chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ, có khả năng tạo từ mới trên cơ sở từ đã có, bằng cách giữ nguyên vỏ âm của từ cũ, tạo ra một nghĩa mới có mối quan hệ lô-gích nội tại nhất định với nghĩa của từ cũ, và đưa ra những đặc trưng ngữ pháp của từ cũ... và giữa nghĩa của từ ấy với nghĩa của từ được chuyển loại chỉ có một sự liên hệ duy nhất” [5, tr.164]. Vậy bản chất của hiện tượng chuyển loại khác hẳn hiện tượng đồng âm.

Giải quyết thật rốt ráo rằng sản phẩm của hiện tượng trên là hai từ đồng âm nhưng vì mối quan hệ ngữ nghĩa còn đủ rõ nên gọi là “đồng âm - ngữ pháp” hay xem đây là một từ đa nghĩa, từ có khả năng “kiêm nhiệm từ loại” - từ được dùng ở những tư cách từ loại khác nhau - là một vấn đề khá phức tạp nhưng cũng rất lý thú và cần thiết.

Theo chúng tôi, cả cái được gọi là “đồng âm ngữ pháp” và cái được gọi là “từ kiêm nhiệm” đều cùng là sản phẩm của sự chuyển hoá ngữ nghĩa do chuyển hoá chức năng. Chúng phản ánh hai mức độ, hai trình độ của cùng một quá trình. Vấn đề là tìm ra được cái “đường dây ngữ nghĩa”, “cầu ngữ nghĩa” giữa nghĩa của từ loại gốc với từ loại kiêm nhiệm.

Ông Hoàng Phê - chủ biên cuốn Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Giáo dục 1988) - mặc dù không chủ trương tranh luận về vấn đề này nhưng thông qua cách sắp xếp thứ tự các mục từ, các nghĩa của từ, ông đã phân biệt hai kiểu loại trên.

Ở phần đầu [7, tr.11], khi đưa ra những qui ước nhằm có sự thoả thuận giữa soạn giả và người sử dụng từ điển, ông chỉ ra 3 kiểu sắp xếp đáng chú ý sau đây:

a. Trường hợp 1: Mỗi đơn vị đồng âm là một mục từ.

Ví dụ: đường1 d. Lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi...

đường 2 d. Chất kết tinh, vị ngọt, thường chế bằng mía hoặc củ cải đường

Theo chúng tôi, cái mà ông gọi là “đơn vị đồng âm” ở đây thực chất là “đồng âm - từ vựng học”: những từ có hình thức ngữ âm trùng nhau nhưng không có mối “quan hệ bà con” về nghĩa.

b. Trường hợp 2:

Những đơn vị đồng âm có mối quan hệ nguồn gốc ngữ nghĩa tương đối rõ và không kể đó là những từ cùng một từ loại hay là những từ thuộc từ loại khác nhau, cũng không kể đó là từ hay có những đơn vị không phải là từ, đều được xếp chung vào trong một mục từ, đánh số bằng chữ số La Mã I, II,... theo một trình tự căn cứ vào quan hệ chuyển nghĩa.

Ví dụ: CưaI. d. Dụng cụ để xẻ, cắt gỗ, kim loại và vật liệu cứng khác, lưỡi bằng thép mỏng, có nhiều răng, sắc, nhọn.

II. đg. Xẻ, cắt bằng cái cưa.

Ở đây ông Hoàng Phê xem là hai từ nhưng vì “quan hệ nguồn gốc - ngữ nghĩa còn tương đối rõ” nên xếp chung vào một mục từ. Theo chúng tôi, trường hợp 2 này trùng với cái mà Lê Biên gọi là “đồng âm - ngữ pháp”, “đồng âm cùng gốc”.

c. Trường hợp 3: Ông khẳng định quyển từ điển này không tách thêm nghĩa trong trường hợp có hiện tượng chuyển nghĩa đều đặn, có tính qui luật, trong hàng loạt từ cùng loại của tiếng Việt (như từ chỉ đồ đựng, dùng để chỉ lượng đựng; tên gọi cây, đồng thời dùng để chỉ quả, củ, hoa, lá...). Ông xem từ trong trường hợp này là từ đa nghĩa.

Ví dụ 1: Thuận lợi t. (hoặc d.). Có nhiều sự dễ dàng, không hoặc ít có khó khăn, trở ngại.

Ví dụ 2: Khó khăn t. (hoặc d.). Khó, có nhiều trở ngại hoặc thiếu thốn (nói khái quát)

Theo chúng tôi, cái mà một số tác giả gọi là “từ kiêm nhiệm”, “từ được dùng ở những tư cách từ loại khác nhau” nằm trong trường hợp 3 này.

Đến đây, chúng tôi nêu ra 3 kiểu loại cần phân biệt:

x: Hiện tượng đồng âm từ vựng học.

y: Hiện tượng đồng âm ngữ pháp học.

z: Hiện tượng kiêm nhiệm từ loại.

Cả ba (x, y, z) giống nhau ở chỗ các đơn vị trong mỗi kiểu loại đều là các đơn vị có cùng hình thức ngữ âm.

Chúng khác nhau ở chỗ:

- Nếu chúng ta không thể thấy được quan hệ nguồn gốc ngữ nghĩa của các đơn vị trong (x) thì lại có thể thấy được mối dây liên hệ này của các đơn vị trong (y), (z). Ví dụ: “Tôi cần bàn1 với anh điều này” và “ Cái bàn2 này làm bằng gỗ mun”; bàn1: động từ, bàn2: danh từ. Giữa hai từ không có liên hệ về ngữ nghĩa và hoạt động “bàn” có thể diễn ra ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải gắn với cái “bàn” (đây là đồng âm từ vựng học). Ngược lại, giữa cưa1, khoá1 là danh từ với cưa2, khoá2 là động từ thì dứt khoát phải có liên hệ về nghĩa chỉ “hoạt động” và “phương tiện” (đây là đồng âm ngữ pháp học).

- Nếu các nghĩa của những đơn vị trong (x), (y) là các nghĩa của những từ khác nhau thì các nghĩa của những đơn vị thuộc (z) là những nghĩa khác nhau của cùng một từ nhiều nghĩa.

Như vậy, có thể phân biệt các sản phẩm của hiện tượng chuyển loại - hiện tượng từ chuyển biến ý nghĩa do thay đổi chức năng - ra thành 2 loại:

- Những từ có cùng hình thức ngữ âm, có quan hệ nguồn gốc về ngữ nghĩa, là thành viên của các từ loại khác nhau. Ở mỗi lớp từ loại mà chúng tham gia, chúng đều có tư cách bình đẳng với các từ khác trong lớp từ đó.

Ví dụ: Anh ấy mượn cưa1 để cưa2 gỗ.

Từ cưa1là danh từ (có tư cách về từ loại tương đương với dao, kéo, búa, kèm...) cưa2là động từ (có tư cách về từ loại tương đương với đục, xẻ, cắt, bào, đập, đóng...). Khả năng hoạt động của từ “cưa” là danh từ và từ “cưa” là động từ tương đương nhau.

- Những từ có nghĩa gốc (hoặc nghĩa chính) quyết định tư cách từ loại gốc của nó và có các nghĩa phụ (hoặc nghĩa phái sinh) khiến nó có thể kiêm nhiệm tư cách chức năng của các từ loại khác.

Ví dụ:

- Công việc tiến hành rất thuận lợi1. Những thuận lợi2đó làm anh rất phấn khởi.

Thuận lợi1là tính từ và đó chính là từ loại gốc; thuận lợi2là danh từ, là từ loại kiêm nhiệm của tính từ “thuận lợi”. Tư cách từ loại tính từ của từ “thuận lợi” đương nhiên là rõ hơn, mạnh hơn tư cách từ loại danh từ của từ này.

Khi nói đến khái niệm “từ chuyên hoá về chức năng tín hiệu học”, ông Đỗ Hữu Châu cho rằng “chuyên hoá không có nghĩa là thực hiện và chỉ thực hiện một chức năng nào đấy mà thôi. Chuyên hoá chỉ có nghĩa là ở những từ này một chức năng nào đó “trội” hơn chức năng khác. Trong các từ chuyên hoá vẫn tồn tại những nhân tố thuộc các chức năng khác và các nhân tố này cùng với các nhân tố do chức năng chuyên hoá mà có hợp thành một thể thống nhất gọi là ý nghĩa của từ” [4, tr.118].

Vậy nội dung ý nghĩa của hình thức âm thanh “thuận lợi” là do các nhân tố của chức năng tính từ cùng với các nhân tố của chức năng lâm thời là danh từ hợp lại mà thành. Trong đó, chức năng tính từ rõ ràng là trội hơn chức năng danh từ.

Cần phân biệt hiện tượng chuyển loại đã ổn định trong ngôn ngữ với hiện tượng chuyển loại chỉ có tính chất lâm thời trong điều kiện và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, đặc biệt, ít phổ biến và thường mang tính chất tu từ (Ví dụ: "Nón rất Huếnhưng đời không phải thế", "Ta là ai mà còn trần gian thế". "Huế" và "trần gian" lâm thời được chuyển loại từ danh từ sang tính từ). Theo chúng tôi, đây là bậc 3 của hiện tượng chuyển loại.

Chuyển loại là quá trình động, với những bậc chuyển, mức độ chuyển không như nhau. Trong hiện tượng chuyển loại, hiện tượng kiêm nhiệm từ loại được xem là bước đệm, là bậc thấp hơn (bậc 2 - bậc trung gian) so với hiện tượng chuyển loại đã ổn định (hiện tượng đồng âm ngữ pháp học) và ở mức độ cao hơn so với hiện tượng chuyển loại lâm thời. Chỉ ra sự giống và khác nhau của hiện tượng đồng âm, hiện tượng đa nghĩa, hiện tượng chuyển loại; chỉ ra các tầng bậc khác nhau của hiện tượng chuyển loại (chuyển loại đã ổn định, kiêm nhiệm từ loại, chuyển loại lâm thời) là một việc làm cần thiết để nghiên cứu từ loại trong tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO





[1] Lê Biên, Từ loại tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

[2] Nguyễn Tài Cẩn, Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

[3] Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

[4] Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb ĐHTHCN, Hà Nội, 1987.

[5] Hồ Lê, Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

[6] Hà Quang Năng, “Đặc trưng ngữ nghĩa của hiện tượng chuyển loại các đơn vị từ vựng tiếng Việt”, Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 141-144, 1998.

[7] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1988.

[8] Uỷ ban Khoa học xã hội, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.

thanhnhan_ha

Tổng số bài gửi : 10
Join date : 19/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Một đề tài hay nữa để các bạn tham khảo Empty Re: Một đề tài hay nữa để các bạn tham khảo

Bài gửi by ThayLe 07/11/09, 11:52 pm

Bay hay

ThayLe

Tổng số bài gửi : 135
Join date : 22/09/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết